Riêng tại Đông Nam Á, các tác động có thể phản ánh vai trò khác nhau của gạo trong nền kinh tế - chính trị của mỗi quốc gia.
Tầm ảnh hưởng của “cây trồng chính trị”
Ở Đông Nam Á, gạo được cho không chỉ là thực phẩm. Nhập khẩu, xuất khẩu và sản xuất gạo có ý nghĩa kinh tế lớn, thường phản ánh các lực lượng lịch sử và chính trị có nguồn gốc sâu xa.
Ví dụ, tự cung tự cấp trong sản xuất lúa gạo từng là mục tiêu chính trong những năm đầu của mô hình Trật tự Mới (Orde Baru) ở Indonesia, với mục tiêu cuối cùng đạt được đã giúp hợp pháp hóa đường hướng phát triển kinh tế của chính quyền lúc bấy giờ.
Dù giá cao hay thấp, bất kể nó đến từ các nguồn trong nước hay nước ngoài, gạo trong khu vực đều liên quan nhiều đến chính trị cũng như các yếu tố kinh tế đơn giản như cung - cầu.
Như bình luận của Shirley Mustafa - một nhà kinh tế thuộc Bộ phận Thương mại và Thị trường tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO): “Gạo được gọi là cây trồng chính trị, cụ thể là do sự can thiệp của các chính phủ vào thị trường lương thực toàn cầu”.
Vì vậy, khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu gạo non-basmati kể từ cuối tháng 7 vừa qua, điều này đã làm khuấy đảo thị trường với nhiều lo lắng.
Vậy lệnh cấm xuất khẩu này liệu sẽ tác động thế nào đến Đông Nam Á? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần giải mã vai trò của lúa gạo trong nền kinh tế - chính trị của từng quốc gia.
Năm ngoái, Indonesia đã nhập khẩu 429 nghìn tấn gạo, với 42% trong số đó đến từ Ấn Độ.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã trở thành nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Indonesia. Với việc Ấn Độ tạm thời cắt nguồn cung này, giá gạo ở Jakarta được dự báo sẽ tăng đáng kể.
Nhưng Indonesia cũng là quốc gia sản xuất rất nhiều gạo, khi Cơ quan Thống kê Trung ương nước này ước tính rằng sản lượng trong nước năm 2022 là vào khoảng 32 triệu tấn.
Vì vậy, ngay cả khi Ấn Độ từng là bên cung cấp nhiều gạo nhập khẩu hơn cả cho Indonesia, đó vẫn chỉ là một lượng tương đối khiêm tốn so với những gì nước này đã và đang sản xuất trong nước.
Trên lý thuyết, cơ quan hậu cần thuộc sở hữu nhà nước Bulog đang quản lý kho dự trữ gạo quốc gia - được tin sẽ ngăn chặn một cú sốc thị trường từ nguồn cung sụt giảm của Ấn Độ có khả năng chuyển thành biến động giá lớn hoặc thiếu hụt.
Và trong mọi trường hợp, vẫn còn những nhà xuất khẩu gạo lớn khác trong khu vực lân cận sẵn sàng lấp đầy sự thiếu hụt từ gạo Ấn Độ, bao gồm Thái Lan và Việt Nam.
Thống kê năm 2021, Việt Nam xuất khẩu gạo trị giá 2,87 tỷ USD và Thái Lan là 3,3 tỷ USD. Ấn Độ là đối thủ toàn cầu lớn của cả hai nước trên thị trường xuất khẩu gạo, vì vậy quyết định cắt giảm xuất khẩu gạo của New Delhi thực sự có thể tạo cơ hội để các đối thủ này chiếm lĩnh thêm thị trường. Với lượng gạo Ấn Độ ít đi đáng kể, nhiều dự báo cũng tin rằng giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Nhìn chung, nguyên tắc là bảo đảm đủ cân bằng giữa nguồn cung trong nước và lượng dư thừa để xuất khẩu. Khi nguồn cung gạo khan hiếm, điều này có thể làm sai lệch cán cân vì các nhà xuất khẩu có xu hướng muốn chạy theo lợi nhuận trên thị trường toàn cầu.
Do đó, kết quả cuộc đua chiếm thị phần giữa Thái Lan và Việt Nam được cho sẽ phụ thuộc vào chính sách ưu tiên gạo trong nước hay xuất khẩu của chính quyền mỗi quốc gia trong thời gian tới. Đáng chú ý, Chính phủ Thái Lan gần đây đã kêu gọi nông dân giảm diện tích trồng lúa, như một phần trong nỗ lực tiết kiệm nước.
Trong khi đó, Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất ở Đông Nam Á, với kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 1,3 tỷ USD vào năm 2021. Năm ngoái, Philippines đã nhập khẩu 3,7 triệu tấn gạo và được sự báo có thể sẽ nhập khẩu vài triệu tấn trong năm nay.
Philippines nhập khẩu phần lớn gạo từ Việt Nam và tương đối ít từ Ấn Độ. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu của New Delhi được cho sẽ khiến giá gạo nhập khẩu nói chung tăng lên, và điều này là bất lợi rõ ràng với Philippines - một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất khu vực lúc này.
Nhưng trước mắt, việc Philippines tiếp xúc trực tiếp với gạo Ấn Độ không lớn và có những nhà xuất khẩu lớn khác gần đó có thể bù đắp phần thiếu hụt sẽ giúp giảm bớt “nỗi đau” từ cú sốc giá.
Một xu hướng của tương lai?
Nhìn rộng hơn, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ dường như cho thấy cách nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi như thế nào trong những năm gần đây. Thương mại tự do không hạn chế đang nhường chỗ cho chủ nghĩa dân tộc kinh tế theo những hình thức khá trực tiếp.
Thật vậy, thế giới đã chứng kiến điều này với sự gia tăng của chính sách công nghiệp ở những nơi thiếu chắc chắn như Mỹ, hay ở nhiều thị trường mới nổi đang ngày càng quyết đoán và không ngại sử dụng lệnh cấm xuất khẩu đối với các mặt hàng quan trọng nếu họ tin rằng đó là lợi ích quốc gia.
Chỉ một tuần sau lệnh cấm của New Delhi, Nga và Dubai cũng đã thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài. Lệnh cấm xuất khẩu gạo có hiệu lực ngay lập tức khiến các thương nhân không kịp trở tay.
Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - một nhà nhập khẩu và tái xuất khẩu gạo lớn của Ấn Độ - cũng đã hạn chế bán nguồn cung cấp gạo của mình cho các nước khác.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng nhắc nhớ một động thái tương tự của Indonesia đối với việc xuất khẩu dầu cọ và than đá hồi năm ngoái, khi nguồn cung trong nước cạn kiệt.
Rõ ràng, lợi ích quốc gia sẽ luôn được ưu tiên hơn các cam kết đối với thương mại tự do, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc tước đoạt một mặt hàng thiết yếu như gạo khỏi thị trường toàn cầu.
Giới quan sát dự báo nhiều khả năng những hình thức quản lý kinh tế này sẽ trở nên phổ biến hơn trong những năm tới, buộc các chính phủ, nhà hoạch định chính sách và DN phải tập làm quen ngay từ bây giờ.
Nhưng hơn hết, quyết định loại bỏ 10 triệu tấn gạo khỏi thị trường xuất khẩu toàn cầu của Ấn Độ đến đúng vào thời điểm mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp quốc, năm ngoái, có tới 783 triệu người bị đói, là hậu quả của xung đột Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Ẩn sau tất cả lúc này còn là hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đang nổi lên, có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường lương thực vốn đã mong manh và khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
Elyssa Ludher, từ chương trình Biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Singapore, nhận định: “Tác động toàn diện đến năng suất nông nghiệp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hiện tượng El Nino. Nhưng thách thức là nó đang đến cùng với các sự kiện khí hậu và địa chính trị khác vốn đã gây ra tổn thất sản xuất và gián đoạn nguồn cung… Vì vậy nhìn chung, đây là một tình huống đáng lo ngại”.