Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng phục học sinh: Bức xúc chưa được giải tỏa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm học mới chưa bắt đầu, nhưng ngay từ tháng 7, một số trường khi nhận đơn tuyển sinh đầu cấp, đã "tranh thủ" bán luôn đồng phục cho học sinh (HS).

Dù mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông báo đến các trường quy định về đồng phục trước năm học mới, nhưng nỗi bức xúc về đồng phục học sinh vẫn chưa được giải tỏa.

Hàng… chợ?

Nhà trường trang bị đồng phục cho HS là điều nên làm, khi tạo điểm nhấn và nét riêng cho HS mỗi trường. Nhưng một số trường lại đẩy vấn đề này lên mức thái quá, khi mỗi năm thay đổi một kiểu đồng phục. Năm trước quần xanh, áo trắng, năm sau lại quần tím than... Không chỉ HS tiểu học mặc đồng phục, mà nhiều trường ĐH cũng "nảy" ra quy định này. Điều đáng nói, ở một vài trường, HS tự may đồng phục không được chấp nhận, chỉ vì thiếu lôgô tên.

Chị Phạm Nguyệt Ngà (Đống Đa, Hà Nội), có con vào lớp 1 trường Tiểu học Kim Liên cho biết: Ngày 14/7, sau khi làm xong thủ tục nhập học, thấy nhiều phụ huynh xếp hàng mua đồng phục cho con, tôi cũng tham gia. Về nhà đưa quần áo cho con mặc thử, cháu kêu: "Sao mẹ mua quần ống to, ống nhỏ cho con". Kiểm tra lại thì đúng thế thật".

Một phụ huynh khác có con học trường Tiểu học Kim Liên bức xúc: "Năm nào phụ huynh chẳng kêu về chất lượng vải may đồng phục cho HS, vải dày bì bì, lại còn toàn nilon. Đã thế, mỗi bộ đắt hơn mua bên ngoài 50.000 đến 70.000 đồng. Mà bước vào năm học, đâu chỉ có quần áo, sách vở, giấy bút, tiền học, tiền ăn…".

Đồng phục học sinh: Bức xúc chưa được giải tỏa - Ảnh 1

Việc các trường “độc quyền” lôgô, màu sắc... khiến các phụ huynh không thể tự may đồng phục cho con. Ảnh: Linh Anh

Đằng sau đồng phục

Vấn đề gây bức xúc nhất trong chuyện đồng phục HS là sự lãng phí và tốn kém. Cứ chuẩn bị năm học mới, nhiều trường sốt sắng đưa mẫu thiết kế đồng phục mới, đặt hàng các cơ sở gia công hàng loạt với lý do là để tạo "đặc trưng" của trường, nhưng lại gây thêm khó khăn cho rất nhiều gia đình kinh tế eo hẹp.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở không đưa ra quy định cụ thể nào về đồng phục của các trường, mà do các trường tự thiết kế mẫu mã, phụ huynh ưng thì mua, không ưng có thể may bên ngoài. Các trường không được phép ép buộc phụ huynh phải may, mua đồng phục ở trường. Trong thông báo gửi các trường về quy định đồng phục trước năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội còn nhấn mạnh, việc thực hiện tùy theo khả năng, điều kiện kinh tế của gia đình học sinh và phải có sự thống nhất cao của phụ huynh; khi thực hiện, các đơn vị phải đảm bảo đúng phương thức mua sắm, đúng kích cỡ, màu sắc, logo của trường, giá cả, thủ tục thanh, quyết toán theo quy định của tài chính; đảm bảo công khai, dân chủ. Đây là vấn đề dễ gây bức xúc trong dư luận xã hội ở thời điểm chuẩn bị năm học mới, nên Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện đúng quy định.

Nhưng thông báo của Sở "đến tay" các trường khi hầu hết các đơn vị đã sẵn sàng mẫu thiết kế, địa chỉ may và đã cho học sinh đăng ký xong việc mua đồng phục mới. Vậy, thông báo sẽ không còn tác dụng, như vậy, bức xúc của phụ huynh vẫn vẹn nguyên? Tuy không quy định cấm mua ở ngoài, nhưng "độc quyền" sở hữu lôgô, màu sắc, thì khác gì cấm?

Liệu rằng, đằng sau nhưng quy định mua đồng phục HS của các trường, có nhóm lợi ích nào chi phối vừa nặng tính hình thức, vừa lãng phí, bất tiện. Nên chăng, cần có quy định cụ thể về việc mặc đồng phục HS, không nên để các trường tùy tiện, biến tướng, làm ảnh hưởng đến môi trường sư phạm.