70 năm giải phóng Thủ đô

Động thái của NATO có thể "chọc giận" Trung Quốc

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - NATO được cho là đang lên kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản để phối hợp với các đối tác thân thiết trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Hàn Quốc và New Zealand.

Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc vào tháng 6/2022. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc vào tháng 6/2022. Ảnh: Reuters

NATO được cho là đang lên kế hoạch mở văn phòng tại Nhật Bản để phối hợp với các đối tác thân thiết trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Hàn Quốc và New Zealand.

Kế hoạch có khả năng vấp phải sự chỉ trích từ chính phủ Trung Quốc, trước đây đã cảnh báo liên minh phương Tây chống lại việc mở rộng “các xúc tu của mình tới châu Á-Thái Bình Dương”.

Nikkei Asia hôm 3/5 đưa tin, NATO và Nhật Bản có kế hoạch nâng cấp sự hợp tác chung để giải quyết các mối đe dọa về an ninh mạng, thông tin sai lệch và các công nghệ mới nổi và đột phá.

Theo trang báo, văn phòng dự kiến sẽ khai trương vào năm tới tại Tokyo  - sẽ là văn phòng đầu tiên của NATO ở châu Á, theo đó cho phép liên minh quân sự tiến hành các cuộc tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đối tác quan trọng như Australia.

Tờ báo cũng cho biết kế hoạch đã được các quan chức Nhật Bản và NATO xác nhận.

Trong “khái niệm chiến lược” được công bố vào năm ngoái, NATO lập luận rằng Trung Quốc đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương mặc dù Nga vẫn là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh”.

NATO cam kết “tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác mới và hiện có ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để giải quyết các thách thức xuyên khu vực và chia sẻ lợi ích an ninh”.

Khối cũng cáo buộc Trung Quốc thực hiện “các hoạt động mạng rủi ro độc hại” và “vẫn không minh bạch trong chiến lược, ý định và việc xây dựng quân đội”.

Trung Quốc đã phản ứng lại đánh giá của NATO bằng cách thúc giục liên minh “ngừng kích động đối đầu bằng cách vạch ra các đường lối ý thức hệ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Zhao Lijian, năm ngoái cho biết NATO đã “mở rộng các xúc tu của mình tới châu Á-Thái Bình Dương và tìm cách gia tăng tâm lý chiến tranh lạnh và nhân rộng sự đối đầu của khối”.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid năm ngoái. Tại đây, các nhà lãnh đạo của nhóm Đối tác Châu Á Thái Bình Dương (AP4) – Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand – đã  có cuộc gặp gỡ bên lề.

“Australia cam kết với các thành viên NATO rằng sẽ hỗ trợ dân chủ, hòa bình, an ninh và duy trì luật pháp,” phát ngôn viên của ông Albanese cho biết vào tháng trước.

Trong khi đó, Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản, Peter Taksoe-Jensen, nhận định với Nikkei Asia rằng những lo ngại về tác động của Trung Quốc đối với an ninh xuyên châu Âu cho thấy “điều quan trọng đối với NATO là duy trì quan hệ với các đối tác trong khu vực này”.

Ông cho biết văn phòng mới của NATO theo kế hoạch "sẽ là một phương thức rõ ràng, thực tế để tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và NATO".

Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, người sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vào tháng tới, cho biết ông nhìn nhận môi trường an ninh ở Đông Á với “cảm giác khủng hoảng mạnh mẽ”.

Sau hội nghị thượng đỉnh G7, ông Kishida sẽ tới Sydney để tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Quad.

Thủ tướng Albanese sẽ tiếp ông Kishida, Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho các cuộc đàm phán tại Nhà hát Opera Sydney vào ngày 24/5.