Đồng Tháp - Ấn Độ: Ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 28/6, tại Đồng Tháp diễn ra Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Đồng Tháp năm 2023. Hơn 150 doanh nhân Ấn Độ tham gia vào sự kiện này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong năm 2022, tổng giá trị thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt 15,05 tỷ USD tăng 13,6% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 7,96 tỷ USD, tăng 26,8% so với 6,28 tỷ USD năm 2021.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giới thiệu sản phẩm OCOP cho Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh Hữu Tuấn
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giới thiệu sản phẩm OCOP cho Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh Hữu Tuấn

Tại Đồng Tháp, năm 2016, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sang Ấn Độ đạt 9,68 triệu USD thì đến năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã tăng lên gần gấp đôi, đạt 18,13 triệu USD.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Lần đầu tiên Đồng Tháp tổ chức xúc tiến đầu tư chuyên biệt với một quốc gia, thể hiện sự kỳ vọng lớn lao về cơ hội mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp đến từ đất nước rộng lớn, có dòng sông Hằng linh thiêng, nổi tiếng như Ấn Độ.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (đứng giữ) tặng quà cho các nhà đầu tư Ấn Độ. Ảnh PV
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (đứng giữ) tặng quà cho các nhà đầu tư Ấn Độ. Ảnh PV

Đồng Tháp có những lợi thế như: là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, ngoài gạo và thủy sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến Ấn Độ như: xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành. Nguồn lao động trẻ dồi dào, trong đó có hơn 40% đã qua đào tạo cùng với với trên mười ngàn lao động đã và đang đi làm việc ở nước ngoài được rèn luyện tác phong công nghiệp, Đồng Tháp và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dệt may, công nghệ thông tin, dược phẩm,…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham quan các gian hàng tại hội nghị. Ảnh Hữu Tuấn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham quan các gian hàng tại hội nghị. Ảnh Hữu Tuấn

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh như Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, khu kinh tế cửa khẩu Thường Phước và Dinh Bà đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng, chính quyền thân thiện,… đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Ấn Độ tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Đồng Tháp.

Các Doanh nhân Ấn Độ tham dự hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư tại Đồng Tháp. Ảnh Hữu Tuấn
Các Doanh nhân Ấn Độ tham dự hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư tại Đồng Tháp. Ảnh Hữu Tuấn

“Tin tưởng rằng “Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023” sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Ấn Độ hiểu rõ hơn môi trường đầu tư tại địa phương, từ đó mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mà cả hai bên đều quan tâm” ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Clip: Hội nghị Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Đồng Tháp: Hữu Tuấn

Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, đã gửi lời cảm ơn và lòng biết ơn sâu sắc đến Chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã tạo điều kiện giúp đỡ và tổ chức gặp gỡ Doanh nghiệp và Đầu tư Ấn Độ - Đồng Tháp tại TP Cao Lãnh. Điều đáng chú ý là hơn 150 doanh nhân Ấn Độ tham gia vào sự kiện kéo dài hai ngày này. Ở đây tôi muốn chia sẻ rằng các doanh nhân Ấn Độ đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau, trong khi một số đến vì lợi ích thương mại, một số đến để khám phá các cơ hội đầu tư.

Các doanh nghiệp trao biên bản ký kết hợp tác. Ảnh Hữu Tuấn
Các doanh nghiệp trao biên bản ký kết hợp tác. Ảnh Hữu Tuấn

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, doanh nghiệp hai bên ký biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác về kinh tế và thương mại giữa các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp Đồng Tháp - các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp Ấn Độ.