Tính từ 24/6 đến 18 giờ ngày 12/7, Đồng Tháp ghi nhận 620 ca mắc Covid-19, hầu hết là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tỉnh đang nỗ lực bao vây, dập dịch tại các ổ dịch có liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và ổ dịch mới trong một công ty tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh.
Trước đó, TP Sa Đéc và 4 huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Cao Lãnh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 11/7.
Nhận định tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các địa phương còn lại gồm: TP Cao Lãnh, TP Hồng Ngự và các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Tân Hồng, Hồng Ngự, Tháp Mười trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 14/7.
Ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc các quy định cách ly xã hội. Tuyệt đối không trông chờ, phải chủ động hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong xây dựng phương án xử lý trong mọi tình huống, tránh bị động.
Các đơn vị địa phương, cá nhân nhất là ngưới đứng đầu các đơn vị phải phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình cần linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch, khống chế kịp thời, không cho dịch lan rộng.
Đối với các doanh nghiệp, nếu không đáp ứng phương án phòng chống dịch theo nguyên tắc “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) thì cho tạm dừng hoạt động; các cơ quan hành chính nhà nước quản lý thật chặt công chức, viên chức thuộc quyền quản lý, gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh, diễn biến dịch rất phức tạp và khó lường; các địa phương cần phải đặt yêu cầu cao hơn trong phòng, chống dịch; mỗi người trong nhiệm vụ của mình phải chủ động giải quyết mọi vấn đề, tuyệt đối không nhùng nhằng, lưỡng lự.
Tạm dừng hết các cuộc họp, hoạt động không cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống dịch, người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lan rộng trên địa bàn quản lý.
Phải nắm thật chặt số lượng, thông tin cơ bản của công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, nếu không đảm bảo đủ điều kiện, không cung cấp đủ thông tin thì yêu cầu tạm dừng hoạt động. Yêu cầu địa phương triển khai làm ngay, làm sớm, báo cáo kịp thời.
Ngoài ra, thông tin từ cơ sở đến tỉnh phải thông suốt, chính xác. Các ngành liên quan có biện pháp hỗ trợ các đối tượng yếu thế, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân…
Hiện nay, 13 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều đã có ca mắc Covid-19, trong đó có hàng trăm ca được phát hiện trong cộng đồng, chưa tìm được nguồn lây.
Tại buổi họp trực tuyến với các tỉnh ĐBSCL chiều 12/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đặc biệt lưu ý, các địa phương phải xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu dịch bệnh tại cơ sở, làm cơ sở để phân tích, đánh giá tình hình và khuyến cáo các biện pháp dập dịch hiệu quả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định phương pháp xét nghiệm phù hợp, không lạm dụng test nhanh kháng nguyên, đồng thời rà soát năng lực các đội lấy mẫu. Khi phát hiện có ca mắc, phải khoanh vùng ngay, có thể khoanh rộng hay khoanh hẹp nhưng dù rộng, hay hẹp đều phải chặt, “đã khoanh là phải chặt”.
Về cách ly F1 tại nhà, Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo vấn đề này, các địa phương cần phân loại các F1 theo mức độ nguy cơ và căn cứ vào điều kiện của gia đình, nhận thức của người bị cách ly để thực hiện...