Đồng Tháp: Hội quán tạo động lực phát triển kinh tế bền vững

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những năm qua Hội quán tỉnh Đồng Tháp phát huy được sức mạnh, tình đoàn kết trong xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương. Đây là mô hình hay khiến nhiều tỉnh, thành trong nước học tập phát huy hiệu quả, tầm ảnh hưởng trong phát triển kinh tế xã hội.

Giúp nhau cùng phát triển kinh tế

Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào ngày 03/7/2016 với 105 hội viên, đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp có 144 Hội quán với 7.556 thành viên, trong đó Ban chủ nhiệm có 706 người. 38 Hợp tác xã được thành lập từ mô hình Hội quán.

Hội quán hoa kiểng giúp những người trồng hoa Sa Đéc chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phát triển. Ảnh Hữu Tuấn
Hội quán hoa kiểng giúp những người trồng hoa Sa Đéc chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phát triển. Ảnh Hữu Tuấn

Hội quán là một mô hình mới, cách làm sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp do ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) khởi xướng. Đây là một mô hình mở dựa trên hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Hội quán là trung tâm kết nối cộng đồng, phát huy tính dân chủ, tính tự quản, tinh thần trách nhiệm của những “Thủ lĩnh cộng đồng”, khắc phục tình trạng người dân trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Hội quán được hình thành với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn.

Thông qua mô hình Hội quán đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể; chuyển dần từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp"; lấy giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới; việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp được phát huy bắt đầu từ các Hội quán, Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

Với 11 lĩnh vực hoạt động gồm: Chăn nuôi; sản xuất nông nghiệp; sản xuất khô, mắm; sản xuất sản phẩm từ tre, gỗ; kinh doanh buôn bán; trồng hoa kiểng; kinh doanh nhà trọ; làm du lịch; sản xuất bột; trồng cây có múi; văn nghệ sĩ.

Từ khi được thành lập, mô hình Hội quán đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Vai trò Hội quán trong phát triển kinh tế

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nương (73 tuổi, ngụ Tân Thạnh Đông, TP Sa Đéc) Chủ nhiệm Hội Quán Bột gạo Sa Đéc cho biết: Hội quán đóng vai trò rất lớn trong việc giúp nhau cùng phát triển, những năm qua hội quán đã giúp các hội viên phát huy được những giá trị tiềm năng kinh tế địa phương.

Hội quán đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng nông thôn mới. Ảnh Hữu Tuấn
Hội quán đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng nông thôn mới. Ảnh Hữu Tuấn

Ông Lê Thành Công, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đông Tháp cho hay: Hoạt động của Hội quán góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Điển hình như: Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hội quán giúp giải được bài toán “liên kết - hợp tác” giữa các nông dân với nhau, đây là mắt xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí - tăng chất lượng”, hình thành vùng nguyên liệu, hướng tới tăng cường chế biến và tạo thuận lợi trong việc liên kết với doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực du lịch, Hội quán góp phần giữ được nét truyền thống văn hóa, thay đổi bộ mặt nông thôn, tăng thu nhập nông hộ; nhiều Hội quán đi vào hoạt động với phương châm “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương xứ sở”; người nông dân làm du lịch chia sẻ rằng, khi làm du lịch cái họ nhận được không chỉ là lợi nhuận, mà còn là những kiến thức, thông tin bổ ích khi họ tiếp xúc với khách tham quan.

Trong tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội quán góp phần tổ chức tốt công tác vận động và chủ động xây dựng những công trình đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân thay vì chỉ biết mong đợi vào cấp ủy, chính quyền. Hội quán tổ chức tốt công tác tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng rác thải nhựa, không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, kinh doanh.

Hội quán giúp gắn kết tình làng, nghĩa xóm, các thành viên Hội quán giúp nhau quản lý con cháu không tham gia các tệ nạn xã hội và chăm ngoan, học tốt; một số Hội quán còn tham gia tích cực vào công tác hòa giải cộng đồng. Hội quán dần trở thành trung tâm gắn kết cộng đồng và là chất xúc tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Lễ hội Hội quán Đất Sen hồng diễn ra từ ngày 18/11 đến ngày 19/11 tại Quảng trường Văn Miếu, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Với nhiều hoạt động được tổ chức tại Ngày hội như: Lễ khai mạc; Trưng bày giới thiệu hình ảnh, hiện vật, nông sản, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP từ các Hội quán; Triển lãm thành tựu Hội quán; Hội thảo “Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán”; Tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp”; Tham quan thực tế mô hình Hội quán; Tham quan trung tâm chuyển đổi số; Hội thi “Thủ lĩnh Hội quán Đất Sen hồng”; Hội thi ẩm thực và Lễ bế mạc Ngày hội.