Đồng Tháp: Hơn 115 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đồng Tháp vừa có báo cáo tình hình thực hiện các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, đến nay tỉnh đã hỗ trợ cho trên 170.000 người, với tổng kinh phí hơn 115 tỷ đồng.

Cụ thể, hỗ trợ gạo cho 108.745 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền gần 24,5 tỷ đồng. Hỗ trợ 9.932 người bán vé số dạo với số tiền gần 15 tỷ đồng.
Hỗ trợ 50.200 người lao động tự do với số tiền 75,3 tỷ đồng. Hỗ trợ 1.800 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 540 triệu đồng.
Ngoài ra, Sở LĐTB&XH cũng đã phối hợp với Sở Tài chính đang tham mưu cho UBND tỉnh xem xét trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương bổ sung một số nhóm đối tượng là lao động tự do được hỗ trợ.
 Đồng Tháp đã hỗ trợ 9.932 người bán vé số dạo. Ảnh: Giang Lam
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất cho 1.126 đơn vị, doanh nghiệp (gồm 43.927 lao động) giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp với số tiền giảm trên 1 tỷ đồng.
Dự kiến trong 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) sẽ có khoảng 1.176 đơn vị, doanh nghiệp, với 53.669 lao động được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với số tiền giảm tạm tính gần 15 tỷ đồng.
Đối với người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng, đã hỗ trợ cho trên 1.500 trường hợp (trong đó 129 lao động mang thai hoặc nuôi con nhỏ) với số tiền gần 6 tỷ đồng. Hỗ trợ cho 585 hộ kinh doanh với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng…
Về hỗ trợ gạo cho người dân từ nguồn gạo dự trữ quốc gia theo Quyết định 1415/QĐ-TTg (Đồng Tháp được cấp hơn 5.883 tấn). Đến nay, tỉnh đã tiếp nhận và phân bổ hỗ trợ đợt 1 với 1.000 tấn. Đã có 9 huyện/thành phố tiếp nhận 840 tấn và giao cho cấp xã xong, các địa phương còn lại đang khẩn trương thực hiện.
Liên quan đến hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn của người dân, tại hội nghị giao ban định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 vào chiều tối 27/8, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục yêu cầu các địa phương phải tăng cường nắm bắt thông tin dư luận thông qua các kênh tiếp nhận, đường dây nóng; phải sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn của bà con nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, gần đây đã có tình trạng ở cơ sở công bố số điện thoại đường dây nóng nhưng khi người dân gọi tới thì không ai nghe. Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh ngay việc này.
“Trong giai đoạn giãn cách xã hội, người dân rất cần chia sẻ, giải đáp thông tin, nhất là giải quyết những trường hợp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, yêu cầu cán bộ lãnh đạo, công chức làm nhiệm vụ phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân và giải quyết kịp thời cho dân” Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa lưu ý.
Tính đến trưa nay (28/8), Đồng Tháp đã có 6.747 ca mắc Covid-19. Theo kế hoạch, bắt đầu từ 28/8 đến 1/9, các địa phương trong tỉnh thực hiện tầm soát SARS-CoV-2 trên diện rộng (lần 2), với số lượng mẫu rất lớn, khoảng 7.500 mẫu gộp/ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là áp lực rất lớn, đồng thời yêu cầu Tổ Điều phối xét nghiệm - Tiểu ban Xét nghiệm và các địa phương phân phối, điều tiết phù hợp theo từng thời điểm sáng, trưa, chiều; phát huy tối đa công suất của các máy xét nghiệm và trả kết quả đúng thời gian quy định, hạn chế tối đa việc lưu mẫu và dồn gửi vào cuối ngày.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, các địa phương kiểm soát chặt các khu cách ly, khu phong tỏa, khu nguy cơ cao, không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; đồng thời quản lý chặt “vùng xanh”…