Đồng thuận nhưng chưa có đột phá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rõ ràng, việc G20 chưa đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về cơ chế đối phó với bất ổn tài chính của toàn hệ thống đã và đang tạo ra nguy cơ không nhỏ cho một cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế đã xuất hiện một số cách tiếp cận đơn phương về chính sách tiền tệ, cuộc gặp kéo dài hai ngày (22 - 23/2) giữa các Bộ trưởng kinh tế, tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Australia được coi là cơ hội để các bên thu hẹp khoảng cách bất đồng về một loạt những vấn đề gai góc của kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh cam kết "phát triển những chính sách tham vọng nhưng thực tế" nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 2% trong vòng 5 năm tới, lãnh đạo G20 còn thành công trong việc thúc đẩy một cuộc chiến chống trốn thuế của các công ty đa quốc gia. Hiện, G20 đang nỗ lực từng bước nhằm thông qua thỏa thuận về tiêu chuẩn trao đổi dữ liệu thuế tự động - hệ thống được thúc đẩy bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với hơn 42 quốc gia cam kết thực hiện. Lãnh đạo OECD cho rằng, việc thỏa thuận này yêu cầu các cơ quan thuế của các nước áp dụng phải cung cấp tất cả các thông tin theo yêu cầu về tài sản tài chính của công dân cư trú lẫn phi cư trú sẽ "thay đổi cuộc chơi" của thị trường toàn cầu.

Chỉ có điều, những vấn đề đạt được đồng thuận giữa các thành viên G20 vẫn mang tính hình thức trong khi những nội dung quan trọng, có tác động trực tiếp tới tình hình kinh tế của thế giới vẫn chưa đạt được sự nhất trí cuối cùng của các bên. Sau gần 5 năm diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, G20 vẫn chưa có một hành động thiết thực nhằm ngăn ngừa các rủi ro và bất ổn tài chính tương lai. Thực ra, vấn đề này đã được bàn thảo nhiều lần nhưng sự phối hợp về chính sách tiền tệ quốc tế dường như đã đổ vỡ hoàn toàn.

 Trong khi đó, nguy cơ ngày càng lớn và không ai có thể tin chắc là khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới sẽ không còn tái diễn. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm gói kích thích kinh tế khổng lồ, nhà đầu tư rút hàng chục tỷ USD ra khỏi các nền kinh tế mới nổi để đưa trở lại Mỹ, tạo ra sự hỗn loạn từ Ngân hàng T.Ư Argentina đến Nam Phi, buộc những nước này phải tăng mạnh lãi suất để giữ vốn. Rõ ràng, việc G20 chưa đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về cơ chế đối phó với bất ổn tài chính của toàn hệ thống đã và đang tạo ra nguy cơ không nhỏ cho một cuộc khủng hoảng trong tương lai.