Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dòng tiền đang chảy vào đâu?

theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “không nên để tín dụng chảy vào một số đại gia” và trên thực tế trong 6 tháng đầu năm nay, cơ cấu tín dụng đã tốt hơn, thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề là làm sao để tăng trưởng tín dụng năm 2017 đạt 18-20% nhưng không nên chảy vào một số "đại gia" mà phải chảy vào doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN sản xuất kinh doanh, tức là chảy vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN.
Yêu cầu này được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhắc lại tại buổi kiểm tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, đây là vấn đề rất quan trọng.
 Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng. - Ảnh: VGP
Năm 2016, cả nước có 110.000 DN thành lập mới, 6 tháng đầu năm có xấp xỉ 60.000 DN mới, nhưng số DN dừng hoạt động, đóng cửa cũng nhiều do các nguyên nhân như khó khăn về tiếp cận tín dụng, đất đai, chính sách… Trong khi đó, Nghị quyết phiên họp Chính phủ đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5-1%.
“Tính toán phác thảo, dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các DN dành được 50.000 tỷ đồng, cứ tính 5 đồng vốn 1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng, riêng tiền thuế thu nhập DN đã có 2.000 tỷ đồng và giúp tăng 0,25% GDP”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Nói về nội dung này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đến ngày 30/6, tín dụng với nền kinh tế đã tăng 9,06%, cao hơn cùng kỳ 2015, 2016.
Đáng lưu ý, vừa qua sau khi NHNN có quyết định thì nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất 0,5% cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên. Nhiều ngân hàng đã áp dụng chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất 5-6,5%; sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay một số chương trình trung dài hạn với lĩnh vực ưu tiên xuống 8% và lãi suất cho vay ngắn hạn với khách hàng tốt từ 4-5%.
Theo Thống đốc, tín dụng hoàn toàn có thể tăng như chỉ đạo của Chính phủ là từ 18-20%, nhưng phải kiểm soát được ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng tăng trưởng tín dụng, đưa tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên. NHNN sẽ linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến vĩ mô.
Quan trọng hơn, Thống đốc cũng khẳng định cơ cấu tín dụng chuyển dịch rất tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung như tín dụng cho ngành công nghiệp tăng 10,34%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,12%; nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 9,9%...
Riêng với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, mặc dù còn một số điểm “rất vướng” liên quan tới tài sản thế chấp, nhưng đến nay các ngân hàng đã cam kết cho vay 120 nghìn tỷ, giải ngân gần 33 nghìn tỷ.
“Trong khi đó, những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ”, Thống đốc khẳng định.
Đầu năm nay, NHNN cũng đã khẳng định sẽ tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.