Dòng tiền “rẽ sóng” bất động sản Hải Phòng
Kinhtedothi - Hải Phòng không chỉ là "thủ phủ" công nghiệp - cảng biển, mà còn đang vươn mình trở thành điểm đến định cư, kinh doanh mới, với tâm điểm là các khu vực như Thủy Nguyên, Dương Kinh, Kiến Thụy... - những vùng đất đã và đang chứng kiến làn sóng đầu tư vào bất động sản từ các chủ đầu tư lớn trên thị trường.
Thị trường tiềm năng hút vốn tỷ đô
Ngày 26/7, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Bất động sản Hải Phòng trỗi dậy - "Phiên bản nâng cấp" của thị trường địa ốc TP Hồ Chí Minh”.
Hải Phòng đang đứng trước ngưỡng cửa của một chu kỳ phát triển mạnh mẽ chưa từng có, với nhiều lợi thế chiến lược. Trong vài năm trở lại đây, thành phố này liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong nhóm cao nhất cả nước, đi kèm sự bùng nổ đầu tư FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo và logistics.

Theo các chuyên gia, sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược đang hướng mạnh mẽ về Hải Phòng.
Theo nhà báo Phạm Nguyễn Toan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Hải Phòng đang hội tụ đầy đủ các yếu tố phát triển bền vững: Hạ tầng kết nối đồng bộ, cảng biển quốc tế, không gian đô thị mở rộng, dòng vốn FDI mạnh mẽ và đặc biệt là đề án sáp nhập Hải Dương – một bước đi chiến lược mở rộng không gian đô thị mang tính lịch sử. Các đô thị mới như Vũ Yên, Dương Kinh không chỉ là mở rộng quỹ đất, mà là hình mẫu của chuẩn sống mới: xanh, thông minh, tiện nghi và kết nối.
“Bất động sản Hải Phòng không còn là câu chuyện của tiềm năng mà là câu chuyện của hiện tại và tương lai. Thời gian qua, dòng tiền đang có xu hướng “rẽ sóng” đầu tư bất động sản Hài Phòng. Để đón đầu được chu kỳ tăng trưởng sắp tới, nhà đầu tư cần trả lời đúng ba câu hỏi: Đầu tư vào đâu? Thời điểm nào? Và với tầm nhìn nào?” - ông Toan nhấn mạnh.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược đang được thể hiện rõ, khi chỉ trong những ngày tổ chức Kỳ họp Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Hải Phòng thu hút 15,5 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư Việt Nam dưới 10 tỷ USD, phần lớn là nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược trên 5 tỷ USD.
Trung tâm hội tụ các nguồn lực lớn phía Bắc
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, về kết nối hạ tầng, hiện Hải Phòng không chỉ có cảng biển, hạ tầng giao thông đa dạng, mà đằng sau đó còn tích hợp các phương thức thông minh hơn, hiệu quả hơn, đã nâng tầm vị thế Hải Phòng thành cực tăng trưởng và là điểm kết nối của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và rộng hơn là ASEAN.

Một góc Hải Phòng hôm nay.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn, PropertyGuru Group phân tích, sau sáp nhập, các chỉ số kinh tế - xã hội của Hải Phòng đầy triển vọng. Quy mô GRDP đạt 658.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước. FDI năm 2024 đạt 5,321 triệu USD, đứng thứ 3 cả nước. FDI luỹ kế đến 2024 đạt 45 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước. Giai đoạn 2021 – 2030, Hải Phòng dự kiến có 70 khu công nghiệp, đứng thứ 4 cả nước. Dân số tăng lên 4,1 triệu người, xếp thứ 4 toàn quốc; phản ánh lượng người đến Hải Phòng nhiều hơn, đồng nghĩa tiềm năng vào bất động sản cao hơn. Việc sáp nhập tỉnh thành tạo ra động lực tăng trưởng mới khi Hải Phòng và Hải Dương – hai địa phương giáp ranh – đều nằm trong trục phát triển chiến lược Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; có mối liên hệ chặt chẽ về hạ tầng, nguồn nhân lực, giao thương và phát triển công nghiệp; tận dụng hiệu quả hơn nguồn lực chung (nhân lực, đất đai, tài nguyên).
Còn theo PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng đang dần trở thành trung tâm hội tụ các nguồn lực lớn của toàn khu vực phía Bắc. Những tuyến giao thông trọng điểm, từ cao tốc ven biển, vành đai kết nối vùng, đến các trục hướng tâm, đều đang dẫn về Hải Phòng. Hệ thống cảng biển hiện đại, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực Nam Đồ Sơn - Nam thành phố, tạo ra lợi thế rất lớn để Hải Phòng khẳng định vai trò trung tâm hàng hải và phát triển kinh tế biển quy mô vùng.

Bất động sản Hải Phòng có nhiều lợi thế phát triển.
Trong bối cảnh Việt Nam chủ trương cạnh tranh bằng sức mạnh kinh tế, thì sức cạnh tranh trên biển, cả về logistics, xuất nhập khẩu, công nghiệp biển, sẽ là một trong những trụ cột chiến lược. Hải Phòng đang sở hữu những điều kiện để không chỉ giữ vị trí đầu tàu miền Bắc, mà còn trở thành trung tâm biển hàng đầu cả nước, với khả năng cạnh tranh khu vực.
Các nhà đầu tư đánh giá, thị trường bất động sản Hải Phòng đang bước vào giai đoạn tăng trưởng sôi động chưa từng có. Sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, chính sách và động lực kinh tế đã mở ra dư địa rất lớn, đặc biệt là về nhu cầu nhà ở và không gian sống chất lượng cho lực lượng lao động trình độ cao, các chuyên gia, nhà đầu tư.

Masterise Homes “chào sân” thị trường bất động sản Hải Phòng
Kinhtedothi - Tiếp nối những dự án quốc tế tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tháng 6, Masterise Homes công bố gia nhập thị trường bất động sản Hải Phòng với dự án mới mang tên The Centric.