Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đóng tiếp nối bảo hiểm xã hội, cần những thủ tục gì?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi người lao động nghỉ làm việc ở công ty này và thời gian sau vào làm việc ở một đơn vị khác thì được đóng tiếp nối bảo hiểm xã hội.

Ngày 16/4, báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải đáp pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội”.
Tại đây, các chuyên gia đã giải đáp những câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chế độ chính sách được áp dụng đối với người lao động, thỏa ước lao động tập thể, chế độ thai sản, lao động mùa vụ, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đặc biệt, chủ đề bảo hiểm xã hội (BHXH) được nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quan tâm.
 Các chuyên gia tham dự buổi giao lưu giải đáp pháp luật và bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Đơn cử, chị Vũ Thị Bích Thủy đến từ Trung tâm Cấp cứu 115, Hà Nội hỏi về việc có được đóng tiếp nối BHXH khi nghỉ việc ở công ty này và thời gian sau làm việc tại DN khác? Về nội dung này, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu phản hồi: Theo quy định của pháp luật, với tất cả thời gian tham gia BHXH mà chưa hưởng thì đều được cộng nối. Để được cộng nối đóng tiếp BHXH, người lao động cần làm hồ sơ gồm: Lý lịch gốc, bảng lương, quyết định nâng lương nếu có, giấy xác nhận đóng BHXH và nộp toàn bộ hồ sơ này cho cơ quan mà người lao động đang làm việc để phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện cộng nối BHXH.
 Chị Vũ Thị Bích Thủy đến từ Trung tâm Cấp cứu 115 đang đặt câu hỏi về đóng tiếp nối bảo hiểm xã hội.
Bà Dương Thị Minh Châu cho biết, cơ quan BHXH chỉ giải quyết những trường hợp về hưu sớm trước tuổi. Người lao động có thể nghỉ 5 năm trước tuổi với điều kiện suy giảm khả năng lao động 61% hoặc có 15 năm làm các công việc nặng nhọc, độc hại hoặc ở vùng kinh tế khó khăn có phụ cấp 0,7% trở lên.
Trường hợp người lao động đã giao kết Hợp đồng lao động với 1 đơn vị và đóng bảo hiểm đầy đủ, nay tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với một DN khác thì DN này có trách nhiệm đóng bảo hiểm? “Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động có thể làm việc trong một hoặc nhiều đơn vị trong cùng một thời gian nếu được chấp nhận. Đơn vị đầu tiên sẽ mua BHXH cho người lao động, đơn vị thứ 2 không bắt buộc phải mua BHXH; nếu có, thì được quy thành tiền và do hai bên thỏa thuận” - Chuyên gia Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội đưa ra câu trả lời.
Các chuyên gia khuyên người lao động cài đặt ứng dụng cho biết, người lao động VssID - bảo hiểm xã hội số. Để qua đó, người lao động theo dõi được hàng tháng công ty có đóng đầy đủ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho mình và sẽ hiển thị đầy đủ khoảng thời gian đóng bảo hiểm. Ngoài ra, người lao động có thể truy cập vào cổng thông tin của BHXH Việt Nam để tra cứu thời gian, mức đóng bảo hiểm.