Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng tình bổ sung quy định về Quốc ca vào Luật Sở hữu trí tuệ

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 28/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị.

Cho ý kiến vào 4 Dự án Luật

Đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, diễn ra trong hai ngày 28-29/3 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến về 4 Dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, tọa đàm, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện các dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Liên quan đến Dự Luật này, Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở một số nội dung thảo luận. Trong đó cho biết, mặc dù là sửa đổi, bổ sung nhưng có đến hơn 100 điều của Luật hiện hành phải sửa đổi, đồng thời, còn điều chỉnh một số quy định tại 4 luật khác có liên quan. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc ban hành Luật sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Sở hữu Trí tuệ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong đó, đối với đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì với một số đối tượng của quyền tác giả, do tính đặc thù của đối tượng quyền tác giả, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, Dự Luật không mở rộng giao quyền đăng ký đối với một số đối tượng của quyền tác giả. Đối với các chương trình, phần mềm máy tính gắn liền với các thiết bị, máy móc được bảo hộ dưới dạng sáng chế, thiết kế bố trí để vận hành các thiết bị, máy móc đó thì có thể áp dụng cơ chế chuyển giao quyền sở hữu đối với sáng chế, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quochoi.vn

Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; một số ý kiến tán thành thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và đề nghị quy định lộ trình thực hiện. Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, nội dung này xin được giữ như quy định của Luật hiện hành...

Đồng tình bổ sung quy định liên quan đến Quốc ca

Đặc biệt, về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Báo cáo số 87/BC-CP, Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến Nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này. Tuy nhiên, về nội dung cụ thể Chính phủ đề nghị bổ sung trong Dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy quy định “Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật;” là nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật, hơn nữa cũng không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ nên đề nghị không bổ sung vào Điều 7. Do đó, cơ quan này ghi nhận một phần ý kiến của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7.

Cụ thể: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.

Trong thảo luận sau đó, các đại biểu bày tỏ đồng tình với đề xuất này. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao việc Chính phủ kịp thời bổ sung nội dung trên vào Dự Luật lần này vì vừa qua trên thực tế cũng có vấn đề phát sinh.

Các đại biểu khác cũng phân tích, về sở hữu trí tuệ có thể áp dụng quy định chung như các tác phẩm văn học, nghệ thuật để điều chỉnh, nhưng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, được ghi trong Hiến pháp nên cần quy định riêng và được đối xử đặc biệt hơn. Dưới góc độ bản quyền, các đại biểu cho rằng, nếu không quy định cụ thể quyền liên quan thì xảy ra trường hợp nhân danh sáng tạo nghệ thuật, có quyền liên quan để cản trở, xúc phạm cũng như ngăn cản việc phổ biến, tiếp cận Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Do đó cần thiết có thêm quy định để đảm bảo tính pháp lý, sự tôn nghiêm, đáp ứng nhu cầu phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.