Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn “chảy” vào Việt Nam

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việt Nam vẫn thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện... Các chuyên gia cho rằng sẽ có dự án tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.

Vốn FDI 7 tháng đạt hơn 16 tỷ USSD

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, tính đến 20/7, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gồm cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 6/2023; tăng 41,9% so với tháng 5/2023 và tăng 85,7% so với cùng kỳ tháng 7/2022.

Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư….
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư….

Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài 7 tháng qua, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, điểm tích cực là vốn thực hiện ước đạt 11,58 tỉ USD trong 7 tháng, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên trong năm tổng vốn đầu tư đăng ký đã tăng so với cùng kỳ (tăng 4,5%) sau khi giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm.

Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư mới hiện vẫn tập trung vào các tỉnh, TP có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư….

Thực tế, trong 7 tháng năm 2023, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Với việc nhà đầu tư LG Innotek tại Hải Phòng tăng vốn thêm 1 tỷ USD không chỉ góp phần cải thiện rất lớn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà dự án này cũng góp phần đưa Hải Phòng đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD, chiếm hơn 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 96,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương…

Các chuyên gia cho rằng sẽ có dự án tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Không phải không có căn cứ mà Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh, về danh sách các dự án đầu tư nước ngoài lớn đang xem xét vào Việt Nam. Cần nhắc lại cuộc "đổ bộ" hơn 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ vào Việt Nam vào tháng 3 vừa qua và chuyến đi quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc sang Việt Nam trong tháng 6, đi cùng là hơn 200 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc.

Xét về đối tác, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 78,2% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 7 tháng.

Đáng chú ý, nếu trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI Hàn Quốc rót vào Việt Nam chỉ đạt 1,2 tỷ USD, thì sang đến 7 tháng 2023, con số này đã tăng lên mức 2,34 tỷ USD. Có thể thấy, chỉ trong vòng 1 tháng, Hàn Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam.

Sẵn sàng cho sân chơi thuế tối thiểu toàn cầu

Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện...

Việc tăng tốc mở rộng đầu tư, giải ngân tăng là hệ quả tất yếu cho những chuyến đi ngoại giao đã đóng vai trò quan trọng trong thu hút FDI. Quan trọng hơn lúc này là chúng ta phải tích cực đón đầu được sự dịch chuyển dòng vốn này. Phải trải thảm mời họ bằng cải cách hành chính quyết liệt, nói đi đôi với làm. Câu chuyện cải cách hành chính của Quảng Ninh, Hải Phòng… rất đáng để các địa phương có chiến lược thu hút FDI tham khảo, áp dụng. Chỉ có cải cách hành chính mạnh mẽ thì dự án triệu, tỷ USD mới quay lại với chúng ta một cách hoành tráng được"

TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết, năm nay mục tiêu thu hút 36-38 tỷ USD vốn FDI vừa là kỳ vọng vừa là thách thức. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI cần hướng đến các NĐT chiến lược, công nghệ cao có khả năng tạo lập chuỗi sản xuất cho DN trong nước.

Hoàn thiện thể chế, pháp luật, hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia... là các giải pháp để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Sự chú ý hiện nay đổ dồn vào việc các doanh nghiệp FDI lớn - các "đại bàng" theo cách gọi phổ biến gần đây - sẽ có phản ứng thế nào nếu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Nói cách khác, nếu không còn ưu đãi về thuế thì Việt Nam sẽ có những gì để thu hút và giữ chân nhà đầu tư?

Ước tính của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... Tuy chỉ chiếm khoảng 1% số dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam, đạt khoảng 131,3 tỉ USD. Và với việc áp thuế tối thiểu toàn cầu, những "ông lớn" FDI này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Bộ Tài chính ước tính, 112 tập đoàn nước ngoài có thể phải nộp bổ sung thuế, giúp ngân sách thu thêm hơn 14.000 tỷ đồng trong năm 2024 - năm đầu tiên Việt Nam áp loại thuế này. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 không chỉ giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung mà còn giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Tuy nhiên, ở góc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT tư nhìn nhận, nếu áp thuế mức 15% mà không có ưu đãi, giải pháp hỗ trợ sẽ xung đột với các quy định hiện nay của Việt Nam trong thu hút nước ngoài. Mặt khác, khả năng mở rộng dự án hiệu hữu hay thu hút dòng vốn ngoại của Việt Nam sẽ bị tác động, niềm tin nhà đầu tư giảm sút.

Vì thế, Bộ này đề xuất thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư với các nhóm doanh nghiệp FDI chất lượng cao, quy mô lớn. Theo đó, sẽ thí điểm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao... Các chính sách cần đủ hấp dẫn và tương xứng với kỳ vọng của nhà đầu tư. "Các khoản hỗ trợ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước", Bộ KH&ĐT đề xuất.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật hôm 26/7, Chính phủ cho biết sẽ trình Quốc hội các dự thảo nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế tại kỳ họp vào tháng 10 tới.

Việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời,

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam- Hong Sun cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn Việt Nam sớm công bố ý định về việc có áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu hay không. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam cũng mong muốn nước chủ nhà cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư như Hàn Quốc đã làm, ví dụ như khấu trừ thuế với hoạt động R&D, khấu trừ thuế cho đầu tư mở rộng; hỗ trợ phúc lợi cho nhân viên, cơ sở sản xuất an toàn, công nghệ thế hệ mới,...

Môi trường kinh doanh là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Môi trường kinh doanh ở đây bao gồm sự ổn định chính trị - xã hội, sự thông thoáng, minh bạch của pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn là điểm cộng, được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Yếu tố thứ hai là sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp vệ tinh, công nghiệp hỗ trợ. Sự nỗ lực của Samsung để xây dựng trung tâm R&D và chuỗi doanh nghiệp vệ tinh tại Việt Nam, chuyển dịch của các vendor lớn của Apple giúp ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam có thay đổi; ngành ô tô thì có sự bứt phá của các nhà đầu tư trong nước như Thaco, Thành Công, VinFast; nhưng với các ngành như dệt may, da giầy, đồ gỗ thì đây vẫn còn là điểm trừ.

Yếu tố thứ ba, đó chính là logistics. Không chỉ có vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải và hàng không, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng và năng lực xử lý hàng hóa trong thời gian vừa qua

Yếu tố thứ tư, đó là nhân lực. Nhân lực giá rẻ vẫn cần, nhưng trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, nhân lực chất lượng cao lại cần thiết hơn, đặc biệt là nhân sự quản lý cấp trung.

Thứ năm, sự thích ứng với các yêu cầu của tương lai, mà trước hết là yêu cầu về thương mại bền vững và chuỗi cung ứng xanh. Các yếu tố đầu vào như giá điện, giá xăng dầu rẻ sẽ không còn là ưu thế nếu như không đảm bảo yêu cầu trung hòa carbon. Việc Việt Nam có cam kết và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo sẽ là một điểm tích cực nữa, nhưng tiến trình này cần được đẩy nhanh hơn.