Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng yen suy yếu sẽ là cơn gió ngược đối với nền kinh tế Nhật Bản?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đồng yen chạm mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD làm gia tăng mối lo ngại rằng đồng tiền này đang trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Nhật Bản do chi phí nhập khẩu đắt đỏ hơn và khiến lạm phát tăng nhiệt.

Vì sao đồng yen lao dốc?

Đồng yen trượt giá liên tục so với đồng USD khi giảm hơn 10% kể từ đầu năm nay và đã mất hơn 1/3 giá trị kể từ đầu năm 2021.

Giới phân tích đã chỉ ra một số yếu tố khiến giá trị của đồng yen sụt giảm. Thứ nhất đồng yen suy yếu do giới đầu tư đang bán ra - và các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo vì sự sụt giảm giá trị. Trong những trường hợp như vậy, thị trường sẽ bước vào một vòng lặp tự hoàn thiện. Do đồng nội tệ Nhật Bản giảm giá, các nhà xuất khẩu không thể khuyến khích chuyển đổi tiền thu được từ nước ngoài thành đồng yen, khiến nhu cầu ngày càng giảm.

Bên cạnh đó, cũng có những lý do chính sách quan trọng khiến đồng nội tệ Nhật Bản lao dốc so với đồng USD. Chuyên gia kinh tế cấp cao Min Joo Kang tại Ngân hàng ING, lý giải với tờ Al Jazeera: “Nguyên nhân chính làm suy yếu đồng yen là chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ”. Trong khi lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện ở 5,25 - 5,50% thì lãi suất tương đương của Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BoJ) chỉ là 0 - 0,1%.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki phát biểu tại họp báo hôm 26/4. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki phát biểu tại họp báo hôm 26/4. Ảnh: Reuters

Khi lãi suất thấp được coi là yếu tố chính khiến đồng yen sụt giảm nhanh chóng, hôm 17/3 vừa qua, BoJ đã chấm dứt chính sách giữ lãi suất chuẩn dưới 0, nâng lãi suất chính sách ngắn hạn từ -0,1% lên mức 0 - 0,1%. Sau quyết định đó, thị trường kỳ vọng sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất trong tương lai. Tuy nhiên, hôm 26/4, BoJ tuyên bố sẽ giữ lãi suất ổn định, báo hiệu rằng việc tăng thêm lãi suất sẽ không xảy ra. Điều này gây ra một đợt bán tháo đồng yen khác, gây thêm áp lực lên đồng tiền này. Chính làn sóng bán tháo này đã khiến đồng yen giảm xuống còn 160,17 yen đổi 1 USD trong ngày 29/4, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 4/1990.

Gia tăng lo ngại về lạm phát, kìm hãm tiêu dùng

Các nhà lãnh đạo DN Nhật Bản đang bắt đầu lo ngại đà giảm giá kéo dài của đồng yen. Đầu tuần trước, ông Masakazu Tokura - Chủ tịch Liên đoàn DN Nhật Bản (Keidanren), cho biết, đồng yen đã suy yếu quá mức. Trước đó, Chủ tịch Suntory Holdings nói rằng chính phủ cần có giải pháp để cải thiện tỷ giá đồng nội tệ Nhật Bản.

Đồng yen yếu thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các công ty đa quốc gia của Nhật Bản. Nhưng việc tỷ giá đồng yen giảm kỷ lục so với USD là cơn đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách vì làm tăng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình bằng cách đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.

Theo người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo, các DN vừa và nhỏ đang chịu áp lực chi phí nguyên liệu nhập khẩu ngày càng tăng. “Dù lợi nhuận DN xuất khẩu của Nhật Bản có khả năng tăng do đồng yen tiếp tục yếu đi, nhưng người tiêu dùng trong nước có thể chịu tổn thương lớn hơn” - Kensuke Niihara, giám đốc đầu tư tại Nhật Bản của State Street Global Advisors, nói với Bloomberg.

Giới chuyên gia nhận định rằng, các hộ gia đình có xu hướng trở thành nhà nhập khẩu ròng và đang phải đối mặt với mức giá cao hơn do đồng yen suy yếu. Chiến lược gia thị trường Nobuhiko Kuramochi tại Mizuho Securities cho biết: "Các nhà bán lẻ sẽ phải tăng giá hàng hóa, điều này cũng tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng trong nước vốn đang phục hồi yếu ớt trong những năm gần đây”.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Ngân hàng Mỹ JPMorgan nói rằng, bất kỳ khoản tăng lương thực tế nào của người lao động Nhật Bản cũng có thể xóa sạch nếu đồng yen vượt qua ngưỡng 157 yen đổi 1 USD.

Bên cạnh đó, đồng yen giảm sâu so với đồng bạc xanh cũng là một yếu tố khiến các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản quyết định giữ tiền ở nước ngoài, nơi có thể kiếm được lợi nhuận tốt hơn. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn do đồng USD tăng bất thường, điều này có nghĩa là các khoản đầu tư và tài sản của Mỹ mang lại lợi nhuận tốt hơn nhiều cho các tổ chức tài chính lớn.

Chính phủ sẽ can thiệp thị trường ngoại hối?

Trong những năm gần đây, chính quyền Tokyo đã can thiệp để nâng cao giá trị đồng yen vì đồng nội tệ suy yếu sẽ ngăn cản nước này đạt được mục tiêu lạm phát bền vững. Hơn nữa, việc tăng giá trị đồng yen có thể giúp tăng tiêu dùng trong nước và đầu tư địa phương.

Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ 3 lần trong năm 2022 khi bán USD dự trữ để mua đồng yen. Tokyo ước tính đã chi khoảng 60 tỷ USD để bảo vệ đồng nội tệ vào thời điểm đó.

Hôm 29/4, sau một thời gian ngắn chạm mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ, đồng yen đã phục hồi mạnh mẽ, khiến các nhà giao dịch nghi ngờ rằng sau nhiều tuần đe dọa can thiệp, Nhật Bản đã vào cuộc để hỗ trợ đồng tiền nội tệ. Tuy nhiên, nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản Masato Kanda từ chối bình luận khi được hỏi liệu chính quyền Tokyo có can thiệp vào vấn đề này hay không.

Trước đó, tại cuộc họp báo hôm 26/4, Thống đốc BoJ, Ueda Kazuo, cho biết, đồng yen yếu cho đến nay vẫn chưa tác động lớn mục tiêu lạm phát của BoJ. Ông nói, nếu lạm phát tăng vượt dự báo trong thời gian tới, BoJ sẽ tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông không đưa ra manh mối nào về thời điểm tăng lãi suất, đồng thời bác bỏ khả năng BoJ giảm đáng kể quy mô của chương trình mua trái phiếu chính phủ. Điều này phát đi tín hiệu rằng BoJ tiếp tục ưu tiên duy trì chi phí vay ở mức thấp.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực từ tình trạng suy yếu của đồng nội tệ. Ông Suzuki khẳng định giới chức trách đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tỷ giá và sẵn sàng hành động. Theo Bộ trưởng Suzuki, nỗ lực kiềm chế lạm phát là một trong những ưu tiên chính sách quan trọng của chính quyền Tokyo.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cho rằng chính quyền Nhật Bản không thể làm gì nhiều để đảo ngược sự trượt giá của đồng yen. “Việc can thiệp tiền tệ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang trong xu hướng tăng sẽ là một nỗ lực vô ích” - nhà chiến lược ngoại hối Rodrigo Catril của Ngân hàng quốc gia Australia nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Min Joo Kang của Ngân hàng ING dự báo, đồng yen Nhật Bản sẽ tiếp tục suy yếu trong những tháng tới. Vị chuyên gia lưu ý thêm: “Chúng tôi tin rằng sự can thiệp ngoại hối của chính quyền Nhật Bản chỉ có thể làm chậm tốc độ mất giá chứ không thể giúp đồng yen tăng giá. Để đảo chiều sự trượt giá của đồng yen, BoJ cần chuyển hướng sang quan điểm diều hâu, chúng tôi tin rằng kịch bản này khó thể xảy ra trong thời gian tới”.

 

Thông tin vào chiều 2/5, đồng yen tăng giá nhẹ so với USD vào đầu phiên giao dịch châu Á. Cụ thể, tỷ giá yen đã giảm từ khoảng 157,55 xuống 153 yen đổi 1 USD. Các chuyên gia đồn đoán có thể đã có sự tác động của Bộ Tài chính Nhật Bản. Động thái này diễn ra trong khoảng thời gian cặp tỷ giá đi ngang sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa và cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc vài giờ trước đó.