Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đột biến chính trường thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn lại năm 2015 đã đi qua có thể thấy, thế giới chúng ta đang sống luôn biến động và chính trường thế giới không thể yên bình giữa những biến động ấy. Và năm 2015 không thiếu đột biến ở bình diện khu vực hoặc châu lục hay trong phạm vi khuôn khổ quan hệ giữa các quốc gia với nhau.

Có thể thấy rõ nhất điều đó ở châu Âu và ở khu vực Trung Đông, vùng Vịnh. Ở “lục địa già”, Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn bị bất ngờ bởi cả khủng bố lẫn dòng người tị nạn và nhập cư. Chậm nhất cho tới thời điểm xảy ra mấy vụ khủng bố ở nước Pháp, EU phải nhận ra rằng, cho dù đã phòng bị đến đâu và dẫu có nhiều thành viên EU đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria thì IS vẫn thành công với việc đưa khủng bố và chiến tranh đến EU.
Đột biến chính trường thế giới - Ảnh 1
Từ nay, các nước thành viên EU phải chung sống với nguy cơ bị tấn công khủng bố ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào. Cái khiến cho việc này trở nên còn tai hại hơn nữa đối với EU là vì thế mà EU nói chung và các nước thành viên nói riêng không thể không siết chặt an ninh nội bộ, kiểm soát dân chúng và người nước ngoài, tăng cường bộ máy cảnh sát, an ninh, mật vụ và cả quân đội. Như thế có nghĩa là luật pháp phải sửa đổi, điều chỉnh hay có mới và chi tiêu ngân sách. Như thế có nghĩa là nội bộ xã hội thêm phân hóa, chính trường thêm chia rẽ và các quyền tự do dân chủ cơ bản của dân bị ảnh hưởng.

Vấn đề người tị nạn và nhập cư vừa là chuyện chính trị - xã hội và tôn giáo vừa là chuyện kinh tế và an ninh đối với EU và các nước thành viên. Nó làm cho tất cả các đối tác liên quan thêm khó khăn và khó xử. Hai đột biến này đã trở thành thách thức lớn mới đối với EU trong năm 2016 và trong cả thời gian sau đó nữa, vì sẽ không có chuyện EU và các nước thành viên vượt qua được chúng trong năm 2016.

Ở một khu vực khác là Trung Đông và vùng Vịnh, đột biến trên chính trường cũng đưa lại hậu quả và hệ lụy lâu dài. Nơi đây vốn đã có từ khá lâu nay không ít chuyện chính trị an ninh thế giới và khu vực. Cuộc chiến tranh giữa IS và một số liên quân đa quốc gia ở trong cũng như ngoài khu vực diễn ra quyết liệt. IS đã bị tổn hại nhưng chưa bị tiêu diệt. Việc Ả Rập Saudi cùng một số đồng minh ở vùng Vịnh phát động chiến tranh ở Yemen để bảo vệ thể chế ở đó trước áp lực và ưu thế quân sự của người Houthi mà phe gây chiến này cho rằng Iran ủng hộ, cũng như việc Nga can dự quân sự trực tiếp vào Syria và cuộc chiến chống IS là hai đột biến chính ở nơi đây trong năm qua.

Ở phía sau cuộc chiến tranh của Ả Rập Saudi và đồng minh ở Yemen là cuộc cạnh tranh vai trò, vị thế và ảnh hưởng với Iran ở khu vực cũng như trong thế giới Hồi giáo. Nó cũng còn là cuộc giằng co giữa dòng người Sunni mà Ả Rập Saudi tự nhận vai trò lãnh đạo và dòng người Shiite mà Iran tự cho mình có sứ mệnh hiệu triệu quần hùng. Những vương triều Hồi giáo ở khu vực vùng Vịnh đang phải đối phó với nguy cơ an ninh cả từ bên trong lẫn bên ngoài bởi quá xơ cứng, không chịu cải tổ và đổi mới, lại còn bảo thủ và giáo điều. Sự tồn vong của các nền quân chủ ở nơi đây trở nên càng thêm mong manh khi triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran càng ngày càng thêm sáng sủa. Họ càng mất vai trò khi quan hệ của Iran với phương Tây càng thêm được cải thiện.
Hai di dân kéo một chiếc xuồng chở đầy người tỵ nạn Syria và Afghanistan từ bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos của Hy Lạp.
Hai di dân kéo một chiếc xuồng chở đầy người tỵ nạn Syria và Afghanistan từ bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos của Hy Lạp.
Việc đạt được thỏa thuận giữa các bên liên quan về giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran là sự kiện chính trị an ninh lớn trên thế giới, nhưng chưa phải là đột biến chính trị thế giới. Cũng như việc quan hệ giữa Ả Rập Saudi cùng với mấy vương triều ở vùng Vịnh và Iran bị là cho xấu đi nghiêm trọng trong những ngày gần đây cũng vậy. Nó là kết quả cộng hưởng của những biến động trước đó.

Việc Nga can dự trực tiếp vào Syria và cuộc chiến chống IS là đột biến còn đáng kể hơn. Nga đã trở lại khu vực này về quân sự. Với việc tăng cường hiện diện quân sự trực tiếp ở Syria, hậu thuẫn Chính phủ Syria cả về chính trị lẫn quân sự cũng như với việc trực tiếp tham chiến chống IS, Nga đã làm thay đổi gần như hoàn toàn cục diện chính trị an ninh ở Syria và trở thành một trong những nhân tố quyết định nhất tới triển vọng tình hình chính trị, an ninh ở cả khu vực này, ảnh hưởng trực tiếp đến Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và những đồng minh quân sự quan trọng nhất của họ ở khu vực cũng như ở châu Âu. Nga đã buộc Mỹ phải thay đổi chính sách đối với Nga, mở đường cho Iran gây dựng và phát huy vai trò chính trị an ninh khu vực và giúp Chính phủ Syria cùng với tổng thống nước này là ông Assad trụ vững. So vào bối cảnh tình hình như thế này thì sẽ thấy việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ của Nga ở Syria không phải chuyện không có chủ ý và tính toán trước.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có đột biến chính trị, nhưng chưa tác động mạnh mẽ tới cả thế giới. Từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, từ Trung Á xuống Nam Á đều thấy có chuyện chính trị an ninh khu vực nổi cộm. Cả trong lẫn ngoài khu vực này không thể không lo ngại khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch; khi Trung Quốc tiếp tục ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế tăng cường tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số quốc gia khác; khi khủng bố với cả sự dính líu của IS xảy ra; khi Taliban trỗi dậy mạnh mẽ ở Afghanistan hay khi Ấn Độ và Pakistan tiếp tục chạy đua vũ trang và căng thẳng.

Chính trường thế giới và khu vực vì thế sẽ tiếp tục sôi động, và cục diện chính trị an ninh của thế giới và khu vực vì thế sẽ còn tiếp tục biến động. Các quốc gia phải tỉnh táo và thực tế để nhận diện kịp thời tác động tiêu cực và hiệu ứng tích cực để từ đó mà ứng phó sao cho có lợi nhất và ít hại nhất cho mình.