Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đốt vàng mã tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh): Chỉ mới có dấu hiệu giảm

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau cố gắng của Ban quản lý nhằm giảm thiểu tình trạng đốt vàng mã tại khu di tích Đền Bà Chúa Kho (phường Cổ Mễ, TP Bắc Ninh), số lượng vàng mã được đốt tại đây trong những ngày cuối tháng Giêng đã có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, tình trạng này có thực sự giảm đến 60% như lời khẳng định của đại diện Ban quản lý đền trong phát biểu gần đây trên báo chí?

 Tại khu vực nhà hóa – khu di tích đền Bà Chúa Kho đã không còn cảnh chen nhau hóa vàng nghi ngút khói như mọi năm. Ảnh: Phạm Quý
Đốt nhiều vì bị “ép”
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết người dân đến “vay” tiền Bà Chúa Kho đều bị những người bán hàng tại đây cò mồi. Ngay từ các bãi đỗ xe, không khó để bắt gặp hình ảnh những bà chủ cửa hàng ra tận xe để kéo khách về làm mâm lễ. Dưới hình thức tư vấn, người bán hàng lợi dụng sự “tín” của người đi lễ để thu lợi từ những mâm cúng.

Anh Bạch Ngọc Hải (quận 2, TP Hồ Chí Minh): “Theo tôi, tình trạng đốt vàng mã nhiều cũng do những người bán vàng mã ép mua nhiều. Chính tôi cũng đã từng bị ép. Người bán hàng còn đưa ra những lý do rất không hợp lý, nếu cầu gì thì đốt tương tự như thế, tôi vay Bà 1 tỷ 7 thì phải đốt 1 triệu 7, sao không nói là đốt 1 tỷ 7 luôn đi. Một bộ lễ cả viết sớ những 1 triệu 7 mà 1 triệu 7 thì mua được biết bao nhiêu giấy? Thế khác nào như buôn thần bán thánh, kinh doanh, kiếm tiền trên tâm linh của người khác”.

Ghi nhận tại đền Bà Chúa Kho, mâm lễ nhỏ khoảng 200 nghìn đồng, mâm cỡ trung bình là 400 – 600 nghìn đồng, còn mâm cỡ đại lên đến tiền triệu thậm chí hơn, tùy vào số tiền chi của người vay để chọn đồ sắp lễ. Có lẽ không ở đâu mà lòng thành của người lễ lại được "quy đổi" ra tiền rõ ràng như ở đền Bà Chúa Kho.

Hầu hết mọi người đến đều có tâm lý đã vay bao nhiêu thì phải trả đủ bấy nhiêu. Họ nghe theo sự tư vấn của người bán để sắm những mâm lễ đắt đỏ tương xứng với món tiền vay. Nếu làm khác đi thì sợ mất thiêng và không chứng tỏ được sự thành tâm của mình đối với Bà Chúa Kho. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng sau khi tiến lễ lên Bà Chúa, từng đoàn mâm lớn mâm bé lại được đốt thành tro để trả nợ Bà. Chị Lê Thị Như (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Tôi mua mâm lễ theo tư vấn của người bán vì nghĩ rằng bản thân không thể hiểu bằng họ. Họ bảo sao mình làm vậy thôi… Đã có mâm lễ dâng lên Bà, thì cũng phải hóa tro trả đủ cho Bà để Bà thấy lòng thành của mình. Chứ để lại nhập kho, liệu Bà có biết không?”.

Liệu có thay đổi lâu dài?

Giải thích về nghi thức nhập kho tại đền Bà Chúa Kho, ông Nguyễn Văn Dũng - Đại diện Ban quản lý đền cho biết, đây là cách làm nhằm thực hiện ý kiến của Bộ VHTT&DL về việc hướng dẫn người dân đốt vàng mã sao cho hợp lý và hiệu quả. “Tính đến nay địa phương chúng tôi chỉ sử dụng phương pháp tuyên truyền vận động là chính, chứ cấm thì không được. Trên các lò hóa vàng đều có những biển hướng dẫn người dân “hạn chế đốt vàng mã”. Bên cạnh đó, chúng tôi cử một số cụ có tiếng nói trong khu vực trực với tính chất động viên du khách khi có nhu cầu đốt nhiều, nên mang xuống nhập kho.

Thực ra, thời gian đầu khi thực hiện, rất nhiều người dân có ý kiến trái chiều. Hầu hết lý do đưa ra là “đã đi là phải đốt” nên rất khó cho họ hiểu ngay, cũng không thể cấm được, mà đã cấm thì phải cấm từ gốc. Tuy nhiên, qua thời gian người dân cũng nâng cao được ý thức hơn. Chị Phạm Thị Lý (Tân Lập, TP Thái Nguyên) cho biết: “Tôi thấy việc lưu kho để hạn chế đốt vàng mã là hợp lý, vừa đỡ lãng phí tiền, mà vẫn có lộc mang về”.

Theo lời của nhân viên dọn vệ sinh tại lò hóa vàng của đền Bà Chúa Kho, số lượng tro thu dọn được trong một ngày từ những ngày giữa tháng 1/2018 đến nay đã giảm hơn so với trước. “Người dân không đốt vàng mã tràn lan như mọi năm nữa mà hầu hết đều được nhập kho, sau đó mỗi người chỉ nhận lại một chút lộc. Người dân có mang ra đốt thì cũng nhắc mang vào nhập kho, nhưng phải nói, nhiều người tín quá, nên họ vẫn cứ đốt, nhắc không được”.

Sự giảm dần của số lượng vàng mã được đốt tại đền Bà Chúa Kho trong những ngày cuối tháng Giêng là tín hiệu mừng.
Tuy nhiên, liệu đây có phải là sự thay đổi có tính lâu dài hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Bởi lẽ, những ngày cuối tháng Giêng cũng là thời điểm sắp kết thúc lễ hội đền Bà Chúa Kho, lượng người về dâng lễ cũng ít đi, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc số lượng vàng mã được đốt giảm hẳn so với trước. Tuy nhiên, trước mắt, đây vẫn là cách làm có thể định hướng hợp lý cho người dân trong thực hiện nghi lễ tâm linh.