70 năm giải phóng Thủ đô

Dragon Capital - ACB và mối lương duyên gần 30 năm

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Dragon Capital bán 120,98 triệu cổ phiếu ACB đã đưa quỹ này không còn là cổ đông lớn của ACB sau gần 30 năm mối lương duyên của cả hai bên.

Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của ACB

Mới đây, thông tin từ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, quỹ ngoại Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu ACB tại ngân hàng này, sau khi bán ra 120,98 triệu cổ phiếu ACB trong phiên giao dịch ngày 7/8. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu ACB đang được quỹ ngoại này nắm giữ giảm xuống còn chỉ 147,8 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital cũng giảm từ 6,91% xuống 3,80%.

Phiên giao dịch ngày 7/8, cổ phiếu ACB đóng cửa ở mức 23.750 đồng/cổ phiếu, giảm 2,66%. Ước tính với mức giá này, Dragon Capital đã thu về hơn 2.873 tỷ đồng. Do tỷ lệ sở hữu tụt xuống dưới 5%, Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn của ngân hàng ACB kể từ ngày 7/8.

Giá trị giao dịch của các cổ phiếu nhóm ngân hàng tuần trước (7/8-11/8)
Giá trị giao dịch của các cổ phiếu nhóm ngân hàng tuần trước (7/8-11/8)

Dragon Capital đầu tư vào ACB từ năm 1996 và đây là một trong những khoản đầu tư dài hơi nhất của quỹ này. Được biết, cả Dragon Financial Holdings và Asia Reach Investments Limited đều thuộc sở hữu của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – quỹ lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô hiện đạt hơn 2 tỷ USD.

Ngoài Dragon Capital, hiện ACB còn 1 nhóm cổ đông lớn nước ngoài nữa là Alp Asia Finance, nắm gần 10% vốn ACB (sở hữu thông qua Whistler Investments Limited  và Sather Gate Investments Limited).

Từ giai đoạn cao điểm từng sở hữu hơn 304 triệu cổ phiếu ACB (chưa tính chia tách) tương ứng với 12,2% tổng số cổ phần, tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital từng giảm mạnh về chỉ còn hơn 165 triệu cổ, tương ứng với tỷ lệ 7,64%, và hiện tại chỉ còn là 3,80%. 

Song song với việc bán cổ phiếu ACB, các quỹ thuộc Dragon Capital đã liên tục mua vào cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tính đến 5/5, nhóm cổ đông này sở hữu 113,6 triệu cổ phiếu STB, tương đương tỷ lệ 6,02%. Tuy nhiên, mới đây ngày 5/7, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra 236.500 cổ phiếu STB giảm lượng cổ phiếu nắm giữ về mức 94.491.000 cổ phiếu (tỷ lệ 4,9997%). Điều này đồng nghĩa Dragon Capital hiện tại cũng không còn là cổ đông lớn tại Sacombank.

Tài sản Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy "bốc hơi" gần 600 tỷ đồng sau 1 tuần

Theo báo cáo quản trị năm 2022, lãnh đạo ACB không phải là cổ đông lớn của ngân hàng (do tỷ lệ sở hữu cổ phần dưới mức 5%). Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) - có trong tay 115,74 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng chiếm tỷ lệ 3,43%); bà Trần Thu Thủy - Thành viên HĐQT và là mẹ của ông Trần Hùng Huy - sở hữu 40,34 triệu cổ phiếu (tương ứng 1,19% vốn điều lệ).

Các doanh nghiệp có liên quan tới ông Trần Hùng Huy là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Giang Sen sở hữu 60,72 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng tỷ lệ 1,8%); Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Vân Môn sở hữu 33,57 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng tỷ lệ 0,99%) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bách Thanh sở hữu 42,27 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng 1,25% vốn điều lệ ngân hàng).

Ngân hàng ACB mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023, với tổng thu nhập hoạt động đạt 8.023 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ, đạt 3.865 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí dự phòng tăng mạnh, trong khi cùng kỳ năm ngoái ACB đã hoàn nhập phần chi phí này.

Tính chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 9.989 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 49,8% kế hoạch năm đã đề ra trong Đại hội cổ đông thường niên 2023. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng trong quý II của ACB mặc dù tăng lên mức 1,06% nhưng chủ yếu do một khách hàng phát sinh nợ xấu CIC từ ngân hàng khác, trong khi nợ xấu nội bảng của ACB vẫn giữ vững ở mức 0,96%.

Đây là kết quả kinh doanh được cho là tích cực của ACB trong 6 tháng đầu năm. ACB cũng là một trong số ít các ngân hàng nói không với trái phiếu doanh nghiệp. Tại thời điểm ngày 30/6, ngân hàng không nắm giữ bất cứ trái phiếu doanh nghiệp nào, trong khi cuối năm trước con số này là 500 tỷ đồng.

Tài sản của Chủ tịch ACB chỉ còn hơn 2.595 tỷ đồng, "bốc hơi" gần 600 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần (từ 7/8-11/8).
Tài sản của Chủ tịch ACB chỉ còn hơn 2.595 tỷ đồng, "bốc hơi" gần 600 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần (từ 7/8-11/8).

Vào tháng 6/2023, ACB đã có báo cáo gửi HOSE thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết và thay đổi vốn điều lệ. Theo đó, ACB phát hành 506.615.264 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 qua đó nâng tổng số cổ phiếu lưu hành từ 3.377 triệu cổ phiếu lên 3.884 triệu cổ phiếu. Tương đương vốn điều lệ tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

Kết phiên sáng 14/8, cổ phiếu ACB tăng 0,22% lên 22.950 đồng/cổ phiếu, giảm 3,4% so với mức giá vào ngày Dragon Capital bán 120,98 triệu cổ phiếu.

Theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch Trần Hùng Huy vẫn sở hữu 133.097.530 triệu cổ phiếu, tương đương 3,43% cổ phần. Chiếu theo mức giá hiện tại, tài sản của Chủ tịch ACB chỉ còn hơn 2.595 tỷ đồng, "bốc hơi" gần 600 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần.