ĐT Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022: Công nghệ VAR lộ thói quen xấu của cầu thủ Việt

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau 4 trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, trọng tài và VAR lại trở thành nỗi ám ảnh đối với ĐT Việt Nam cũng như người hâm mộ. Tuy nhiên, đằng sau những quyết định của trọng tài cũng như tham khảo hệ thống VAR thì là những thói quen xấu của bóng đá Việt Nam…

Thua lại đổ lỗi của trọng tài và VAR

Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, hệ thống hỗ trợ trọng tài bằng video (VAR) đã được đưa vào sử dụng, có thể nói đây là phương tiện hỗ trợ giúp các trọng tài có thể “bẻ còi” bất cứ khi nào nếu có sự can thiệp từ đội ngũ trọng tài VAR. Trên thế giới ở các giải đấu hàng đầu từ cấp ĐTQG cũng như châu lục đều đã được áp dụng với mục đích mang lại sự công bằng cho các đội bóng cũng như những sai sót cho trọng tài. 

Việc góp mặt tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 của ĐT Việt Nam là một thành công khi thầy trò HLV Park Hang-seo đã hoàn thành mục tiêu đề ra. ĐT Việt Nam không áp lực về thành tích cho các cầu thủ, hơn việc là đội bóng yếu nhất bảng B, BHL ĐT Việt Nam nhận thức được mình đang ở đâu để có thể tìm ra mục tiêu cho từng trận đấu. Tuy nhiên, điểm nổi bật khi ĐT Việt Nam thi đấu qua 4 trận đấu vừa qua lại là hệ thống hiện đại VAR và công tác trọng tài. Dư luận và giới chuyên gia đặt ra câu hỏi, có phải vì ĐT Việt Nam là đội bóng yếu nhất so với các đội nên bị bắt ép. Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới có thể trả lời chính xác được câu hỏi này.
Hình ảnh trọng tài tham khảo hệ thống VAR trong trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Australia trên sân Mỹ Đình ngày 7/9.

Nhìn lại trận đấu với ĐT Oman, sau khi khảo VAR trọng tài chính Makhadmeh đã hai lần thổi phạt 11m đối với ĐT Việt Nam ở các tình huống phạm lỗi trong vòng cấm của Tấn Tài và Duy Mạnh. Có thể thấy, trọng tài Makhadmeh đã tham khảo rất kỹ trước khi đưa ra những quyết định, trong có tình huống Công Phượng có rơi vào vị trí việt vị, Tấn Tài cắt bóng trong chân đối thủ và Tiến Linh ghi bàn mở tỷ số. Tuy nhiên, còn đó những tranh cãi về tình huống Quang Hải ngã trong vòng cấm, thậm chí là quả phạt đền của ĐT Oman. Và cũng chính những tranh cãi này dẫn đến luồng sóng tranh luận về việc trọng tài bắt ép ĐT Việt Nam hay “cái dớp” vô duyên của VAR vẫn gắn với thầy trò HLV Park Hang-seo được đẩy lên đỉnh điểm.

Kết thúc trận đấu, trung vệ Duy Mạnh – cầu thủ gây ra tình huống phạm lỗi dẫn đến quả phạt đền thứ 2 thừa nhận: “Dù trọng tài quyết định ở những tình huống còn gây tranh cãi, song đó là điều chúng ta luôn phải chấp nhận”. Chấp nhận cuộc chơi là điều dễ hiểu, đặc biệt trong bóng đá. Liên tiếp những hành vi chơi tiểu xảo của các cầu thủ ĐT Việt Nam đã không qua được mắt trọng tài, đặc biệt khi có hệ thống VAR can thiệp, đơn cử như 2 tình huống của Tấn Tài và Duy Mạnh. Trước đó cũng là Duy Mạnh trong trận đấu với ĐT Ả Rập Xê Út đã có màn tiểu xảo với cầu thủ đối phương và phải nhận thẻ vàng, rồi dẫn đến tình huống chạm tay trong vòng cấm để nhận thẻ vàng thứ 2 và quả phạt đền 11m.
Thay vì đi đổ lỗi, dư luận cùng các cầu thủ rút ra những kinh nghiệm cũng như bài học cho các trận đấu sau cũng chính bản thân các cầu thủ bị bắt phạt, đặc biệt là những tình huống phạm lỗi dẫn đến sự can thiệp của VAR khiến ĐT Việt Nam chịu phạt 11m (trong 12 đội bóng tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, ĐT Việt Nam là đội chịu nhiều phạt đền nhất với 7 lần).
Cần thay đổi thói xấu từ V-League

Năm 2019, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã mạnh mẽ tuyên bố, mùa giải 2019 sẽ áp dụng VAR tại V-League, đây là điều mừng khi bóng đá Việt Nam đã có những sự tiệm cận với bóng đá thế giới cũng như khu vực (Thái Lan đã áp dụng từ năm 2018 nhưng bị FIFA “tuýt còi do chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và phải tạm dừng nửa đầu mùa giải 2019 nhưng họ cũng đã trở lại ngay sau đó).

Tuy nhiên, VPF đã liên tục thay đổi mốc thời gian áp dụng và đến nay vẫn chưa thể thực hện do nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan. Dẫu biết rằng, việc áp dụng VAR sẽ yêu cầu đáp ứng cao về rất nhiều hạng mục cũng như nhân lực, sẽ rất khó khăn để tất các sân bóng hiện tại của những CLB tham dự V-League có thể đầy đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu.
Lối chơi tiểu xảo, hành vi xấu cần được thay đổi ngay tại sân chơi V-League để tránh tạo thành thói quen cho các cầu thủ.

Việc chưa thể áp dụng VAR tại Việt Nam thấy rõ những hạn chế của các cầu thủ tại V-League lúc này. V-League là giải đấu cao nhất tại Việt Nam và được giới chuyên gia đánh giá đây là giải đấu khắc nghiệt không chỉ về mật độ thi đấu, sân bãi dẫn đến chấn thương mà là sự thô bạo, những hành vi tiểu xảo, đánh nguội… đã trở thành thói quen đối với nhiều cầu thủ.
Theo chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú, những tình huống cao tay của Tấn Tài, Duy Mạnh với các cầu thủ ĐT Oman thể hiện sự nóng nảy, cũng là thói quen xấu.

“Có thể chúng ta thi đấu ở đấu trường V-League quá dễ dãi quá, giơ tay như vậy mà không có VAR thì trọng tài có thể nhận định là cố tình hay không cố tình. Như quả của Duy Mạnh, rõ ràng là một chút nhấc lên cao hơn và như thế là cố tình” – ông Phan Anh Tú cho biết.

Dẫu biết rằng, bóng đá là môn tranh chấp quyết liệt và có nguy cơ chấn thương nặng hơn so với nhiều môn khác, nhưng cũng như các môn khác thì bóng đá đều có Luật, đặc biệt là tính cao thượng, fair play.

Cũng theo ông Phan Anh Tú, bóng đá Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm rất nhiều: “Khi chúng ta thi đấu giải VĐQG thì các trọng tài nước ta cũng phải chính xác để các cầu thủ tạo dựng thói quen, dùng tiểu xảo trong khu vực 16m50 khi có VAR cũng rất nguy hiểm”.

Hơn lúc nào hết, không chỉ người hâm mộ cần phải lên án mạnh mẽ những hành vi xấu, chơi tiểu xảo của những cầu thủ, chính các cầu thủ cũng phải nhận thức rõ về điều này để giữ chính đôi chân của mình cũng như đồng nghiệp, hơn thế là loại bỏ những thói quen xấu khi thi đấu trong màu áo ĐTQG ở các giải đấu trong khu vực cũng như châu lục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần