Tuy nhiên, đại diện Sở VH&TT Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định dự án vẫn đang tiếp tục thực hiện.
Nhiều tranh phải chỉnh sửaSau rất nhiều lần bàn thảo giữa Hội đồng nghệ thuật của dự án và các cơ quan quản lý Nhà nước đã đi đến thống nhất, dự án mang tên các câu chuyện về “Ký ức Hà Nội” được khắc trên bức tường đá Phùng Hưng. Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ bao gồm 19 bức bích họa, thực hiện tại 19 vòm cầu có độ dài 200m tại phố Phùng Hưng. Tuy nhiên, sau khi xem xét, ngoài 7 bức tranh của họa sĩ Hàn Quốc đã được chỉnh sửa để thống nhất trước đó, thì phần nhiều các bức vẽ khác theo ý kiến của Hội đồng nghệ thuật và cơ quan quản lý đều cần có những thay đổi.
|
Bức bích họa của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế về ngôi nhà 63 phố Phùng Hưng đang nhận được yêu cầu thay đổi. |
Ông Nguyễn Quốc Chiêm – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho rằng: “Vì chủ đề là câu chuyện về ký ức Hà Nội nên ưu tiên những bức tranh gợi nhớ hình ảnh thuộc về Hà Nội một thời nay không còn”. Tranh số 56 với tiêu đề “Chùa Báo Ân xưa” được đề nghị bổ sung thêm hình ảnh người đi lễ chùa và hình ảnh người bán hương hoa, bỏ hình ảnh chiếc xe kéo. Tranh số 57 “Phố nhuộm màu hoa” được đề nghị chỉnh sửa từ tên tiêu đề đến các chi tiết trong tranh để gắn với làng hoa Ngọc Hà.
Đặc biệt nhất là tranh của tác giả Trần Hậu Yên Thế mang tiêu đề “Nhà số 63 phố Phùng Hưng” đã không được Hội đồng nghệ thuật đồng ý thực hiện. Theo gợi ý của Hội đồng, thay vì vẽ ngôi nhà 63, tác giả có thể chuyển đổi ngôi nhà 105 phố Phùng Hưng là trụ sở toà soạn báo Tin tức, tiếng nói công khai của Đảng cộng sản Việt Nam thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939). Chính những yêu cầu thay đổi này phần nào đó gây ra những ý kiến chưa đồng nhất giữa Hội đồng nghệ thuật và tác giả của các tác phẩm.
Rút tranh, vẫn ủng hộ dự ánBảo vệ quan điểm và tác phẩm của mình, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cho rằng “Ngôi nhà 63 Phùng Hưng là hiện thân của một loại hình kiến trúc Tây quen thuộc của Hà Nội đang mất đi. Cấu kiện, kiến trúc cánh cửa của ngôi 63 giờ đã được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội nhưng phần kiến trúc khác xưa kia của ngôi nhà không còn. Thông qua bức tranh tôi muốn đánh thức ý thức giữ gìn di sản từ mỗi con người. Hội họa đôi khi chỉ nhìn từ thứ rất nhỏ bé, không cần là một công trình di sản xếp hạng cũng nói lên nhiều tầng ý nghĩa. Như tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái đâu phải là một con phố, một ngõ cụ thể của Hà Nội”.
Cho dù, ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, phía lãnh đạo quận vẫn đang trao đổi với các họa sĩ để đi đến sự thống nhất nhưng họa sĩ Trần Hậu Yên Thế vẫn giữ quan điểm sẽ xin rút khỏi dự án. Bởi anh chưa nghĩ ra được ý tưởng sáng tạo từ đề xuất của Hội đồng nghệ thuật cụ thể là từ căn nhà 105 Phùng Hưng. “Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” đang là công trình rất có ý nghĩa cho Hà Nội. Tôi rút khỏi không có nghĩa là không ủng hộ dự án” – Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế khẳng định.
Vẽ bích họa trên một con phố không là xa lạ với nhiều nước trên thế giới, nhưng với Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội đây là loại hình nghệ thuật mới, mang tính thử nghiệm. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý thực hiện trên tâm thế vừa làm, vừa trao đổi. “Quan điểm khác nhau giữa tác giả và Hội đồng nghệ thuật là điều không tránh khỏi. Chúng tôi sẽ cố gắng bàn luận, xin ý kiến để tìm sự hòa hợp nhất” – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ. Dự kiến, cuối tháng 12/2017 dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” sẽ hoàn thiện.