70 năm giải phóng Thủ đô

Dự án bỏ hoang, quy hoạch treo: Lãng phí tài nguyên, nhếch nhác đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những vấn đề mà nhiều năm qua, cử tri Hà Nội có kiến nghị đến đại biểu HĐND TP trong mỗi kỳ tiếp xúc là cần có giải pháp chấm dứt tình trạng dự án bỏ hoang, quy hoạch treo trên địa bàn. Đây là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân cũng như bộ mặt đô thị, nhất là lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Khu đô thị mới Thịnh Liệt đã GPMB phần lớn quỹ đất, nhưng vẫn chỉ được chủ đầu tư quây tôn chưa có bất kỳ hạng mục nào được triển khai. Ảnh: Vũ Lê
Nhiều hệ lụy từ dự án treo
Muốn chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất, mua bán, cải tạo, xây dựng nhà... nhưng không thể thực hiện, là tình cảnh của 80 hộ dân thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ sống trên khu đất thuộc dự án treo Sông Hồng City (dự án Trấn Sông Hồng) từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Xuân Tiệp (tổ 40, phường Yên Phụ) cho biết, năm 1992 các hộ dân nhận được thông báo từ chính quyền phường về việc thỏa thuận đền bù khu đất để TP triển khai dự án Sông Hồng City. Đáng nói từ thời điểm đó đến nay, người dân chưa nhận được bất kỳ thông tin gì tiếp theo. “Gần 30 năm nay, chúng tôi sống trong tình trạng thiếu thốn đủ thứ, sống tạm trên chính ngôi nhà của mình” – ông Nguyễn Xuân Tiệp bức xúc. Dự án Sông Hồng City được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 nhưng đến nay, sau 25 năm vẫn nằm trên giấy. Nguyên nhân được Sở KH&ĐT Hà Nội đưa ra là do nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính và quan trọng hơn, quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở để triển khai dự án.

Một trong những điểm nóng khác cũng gây bức xúc không kém là dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng Công ty Xây dựng Licogi tại quận Hoàng Mai. Dự án này được triển khai từ năm 2006, với tổng diện tích đất thu hồi hơn 351.618m2 thuộc 3 phường Thịnh Liệt, Tương Mai và Hoàng Văn Thụ. Tuy nhiên, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng cùng yếu kém về năng lực tài chính trong quá trình thực hiện của chủ đầu tư khiến dự án liên tục lỡ hẹn thời gian “về đích”. Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, hiện tại khu vực dự án này cỏ dại mọc um tùm, phần lớn diện tích đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng vẫn bỏ hoang. Ông Bùi Đăng Viễn, tổ 25, phường Thịnh Liệt phản ánh, việc dự án chậm triển khai nhiều năm đã khiến đời sống của người dân trong khu vực quy hoạch bị ảnh hưởng. Hạ tầng xuống cấp, mỗi lần mưa xuống, đường sá lầy lội, ngập nước, môi trường sinh sống bị ô nhiễm bởi rác thải bủa vây…

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm dự án treo đang tồn tại, gây hệ lụy đến đời sống người dân và cảnh quan đô thị của Thủ đô. Theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội, trên địa bàn TP đang có tới 383 dự án sử dụng đất chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai trong suốt nhiều năm qua. Các dự án treo nằm cả ở nội và ngoại thành, khiến bộ mặt TP trở nên lộn xộn. Người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, tại huyện Quốc Oai có dự án Khu đô thị Sudico Tiến Xuân chậm triển khai hơn 10 năm. Tại quận Tây Hồ, dự án Khu đô thị mới Nam Thăng Long kéo dài tới hơn 20 năm vẫn chưa xây dựng xong. Tại quận Hai Bà Trưng, dự án của Công ty CP Tu tạo và phát triển nhà chậm tiến độ 17 năm. Tại quận Cầu Giấy, có dự án B9, C3 Khu đô thị Nam Trung Yên cũng chậm triển khai nhiều năm... Trước tình trạng này, vào tháng 8/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ TN&MT và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý.

Phải có biện pháp mạnh

Trên thực tế, TP Hà Nội đã có những chỉ đạo cơ quan chức năng dùng biện pháp mạnh, quyết liệt trong việc xử lý, thu hồi hàng loạt dự án. Đến nay, TP đã chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án. Trong tháng 7, 8 vừa qua, Sở KH&ĐT Hà Nội ban hành các quyết định chấm dứt việc đầu tư dự án nhà ở thương mại tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm do Công ty CP Quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư và dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) của Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam. Lý do chấm dứt hoạt động các dự án này do các chủ đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ quy định. Đáng chú ý, mới đây, UBND TP Hà Nội kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu đất vàng thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) do chậm triển khai 11 năm gây lãng phí tài nguyên đất; không có cơ sở pháp lý để cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Mặc dù việc thu hồi các dự án treo được đánh giá là không hề dễ dàng, bởi còn những vấn đề nhất định về mặt khung chính sách pháp luật, thể chế, quản lý chưa đồng bộ. Nhưng các chuyên gia cho rằng có nhiều cách để thực hiện, quan trọng là chính quyền phải làm thật cương quyết. Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, để xảy ra việc này có nhiều nguyên nhân, trước hết là việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố “lách” để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại. Về giải pháp GS Đặng Hùng Võ cho rằng, Hà Nội cần phải rà soát tổng thể và dựa theo những tiêu chí để đánh giá, phân loại các dự án để có hướng xử lý thích hợp. Dự án nào chủ đầu tư không có khả năng tài chính hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì kiên quyết thu hồi. Dự án nào chậm do thủ tục, quy hoạch, giải phóng mặt bằng thì các cơ quan quản lý cần nghiên cứu các quy trình phê duyệt sao cho nhanh chóng nhưng vẫn phải chặt chẽ, tạo điều kiện cho DN triển khai kịp tiến độ.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nêu, nếu đất đai đã giao mà DN không triển khai thì cần phải xem xét tại sao không triển khai và cần kiên quyết thu hồi nếu do năng lực chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, bởi nếu chính quyền muốn thu hồi, trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Đối với những khu đất vàng đang bị bỏ hoang hiện nay, cần phải được rà soát, xem xét để thực hiện thu hồi, thay chủ đầu tư có năng lực đảm nhận chức năng của phần đất đã được phê duyệt. Ngoài ra, cần có cuộc trao đổi gắn kết giữa các nhà quản lý, lãnh đạo với các chủ đầu tư để nắm được những khó khăn. Qua đó tìm ra cách tháo gỡ để dự án được triển khai. Tuy nhiên, vấn đề vẫn là phải đặt lợi ích chung, lợi ích phát triển bền vững của cộng đồng.
Rất nhiều khu đất vàng chúng ta muốn quy hoạch phát triển đồng bộ, tạo thành trung tâm mới của Thủ đô, song lại để hoang hóa hàng chục dự án. Rõ ràng ở đây thiếu sự giám sát, chúng ta quản lý chặt chẽ ở khâu giao đất nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án. Chính vì vậy, đã tác động đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm