Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án cao tốc Bắc – Nam: Cẩn trọng hệ lụy từ chỉ định thầu

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự xuất hiện của dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới các hoạt động vận tải trong nước mà còn tác động tiêu cực đến cả lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó có “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam.

Đổi sang đầu tư công để đảm bảo tiến độ dự án
Ngày 6/4, Bộ GTVT phát thông tin mới về công tác GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Tính tới thời điểm hiện tại, các địa phương có 11 dự án thành phần đi qua đã hoàn thành GPMB 454/653km, tương đương với 69,5%. Tiến độ như trên là điều kiện cần để đảm bảo các dự án được khởi công và về đích đúng kỳ vọng.
Tuy nhiên, thực tế, quan trọng nhất là khâu lựa chọn được nhà đầu tư cho 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có những dự án như cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dù đã hoàn thành GPMB tới 94% nhưng danh tính của nhà đầu tư được lựa chọn vẫn... bóng chim tăm cá. Sau một thời gian nhận và đánh giá hồ sơ các ứng viên, vừa qua, Bộ GTVT đã phải tuyên bố, cả 3 liên danh nhà đầu tư nộp hồ sơ dự tuyển vào dự án này đều không đạt yêu cầu.
 Thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Đình Quang
Vào thời điểm cuối năm 2019, khi Bộ GTVT quyết định hủy đấu thầu quốc tế để chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước đối với các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dư luận đã đánh giá rất cao quyết định này và kỳ vọng đây sẽ là tiền đề quan trọng để các DN trong nước tham gia vào sân chơi lớn cũng như thể hiện năng lực của mình.
Thế nhưng, ngay đầu năm 2020, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt DN trong nước đều lâm vào cảnh khó khăn. Việc kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho “siêu dự án” này bỗng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Một lần nữa, lại cần có sự thay đổi về hình thức đầu tư để đảm bảo cho dự án được triển khai đúng như kế hoạch.
Ngày 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Trong cuộc họp này, Bộ GTVT đã đề xuất phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với một số dự án cấp bách nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng.
Đề xuất của Bộ GTVT đã nhận được sự đồng ý của Thủ tướng và hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ KH&ĐT, các cơ quan liên quan để hoàn thiện báo cáo chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đặc biệt, trong báo cáo mới đây, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền xem xét lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.
Chuyển đổi hình thức đầu tư là hợp lý
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công tư sang đầu tư công đối với 8 đoạn cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang khiến hàng loạt DN trong nước lao đao.
“Hình thức đầu tư PPP cho phép huy động nguồn lực từ trong xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông nhưng trên thực tế nguồn vốn ấy vẫn chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại. Với tình trạng nguồn vốn tín dụng cho vay dài hạn của các ngân hàng đã chạm trần như hiện nay thì đầu tư toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP đối với DN trong nước có thể nói rằng bất khả thi” – chuyên gia Ngô Trí Long phân tích. Đồng thời cho rằng, biện pháp khả dĩ nhất là lựa chọn và ưu tiên các dự án cấp bách, cần hoàn thành trước để tăng tính kết nối liên thông của các đoạn đang triển khai.
Đồng quan điểm ủng hộ việc chuyển hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công nhưng nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cho rằng cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định có cho phép áp dụng phương án chỉ định thầu đối với dự án cao tốc Bắc – Nam để tránh những hệ lụy không mong muốn.
“Phương án chỉ định thầu là một trong những nguyên nhân dẫn tới hàng loạt bất cập và sai phạm ở các dự án BOT giao thông trước kia. Đến nay, chúng ta vẫn chưa xử lý xong. Tốt nhất là phương án đấu thầu chọn nhà thầu trong nước” – ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định.
Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thực tiễn đã chứng minh việc đấu thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi bao giờ cũng đảm bảo tính minh bạch hơn chỉ định thầu. Hơn nữa, khi chuyển từ đối tác công tư sang đầu tư công, công tác đấu thầu tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. 

"Đấu thầu sẽ tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các DN. Còn chỉ định thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là việc đánh giá năng lực thi công, năng lực tài chính, kinh nghiệm của DN được lựa chọn." - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm


"Việc Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công là phù hợp với thực tiễn đồng thời cũng tạo thêm động lực và quyết tâm cho các nhà đầu tư trong nước thực hiện các dự án PPP cao tốc còn lại trong thời gian tới." - Nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng Trần Chủng