Đầu tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1143 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia. Đây là tin không thể vui hơn đối với những người vẫn đang ngày đêm mong chờ ngày “siêu dự án” ngành đường sắt này được hình thành.
Dự án bắt đầu “tăng tốc”
Nhiệm vụ của cơ quan mới thành lập này là chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác của Ban chỉ đạo là đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thực hiện thành công Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Ban chỉ đạo đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam họp định kỳ ba tháng một lần nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ và xử lý vướng mắc. Căn cứ thực tế và yêu cầu từng thời điểm, Thường trực Ban chỉ đạo có thể mời tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà tài trợ tham gia họp. Các thành viên chủ động báo cáo vấn đề phát sinh khi làm nhiệm vụ hoặc vấn đề đột xuất theo yêu cầu của Trưởng ban.
Giới chuyên gia nhìn nhận, việc thành lập Ban chỉ đạo trên được coi là động thái mới nhất liên quan đến việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy quá trình sớm hoàn thiện các bước để dự án đường sắt tốc độ cao được đầu tư, xây dựng.
Sự ra đời của Ban chỉ đạo được kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa, phối hợp giữa các bộ ngành trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Trước đó, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trình Chính phủ thì dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.
Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD bao gồm: chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD, chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, thiết bị 15 tỷ USD, chi phí quản lý dự án, tư vấn 5,82 tỷ USD, chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD.
Kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao ở các nước cho thấy cần đầu tư tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại thay vì cải tạo, sử dụng hạ tầng vốn có. Đây là cơ hội để ngành đường sắt làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức quản trị vốn đã lạc hậu rất nhiều so với thế giới – Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa
Một trong những nội dung liên quan đến “siêu dự án” này được dư luận đặc biệt quan tâm chính là thời điểm triển khai dự án. Bộ GTVT đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành công tác chuẩn bị để đến năm 2030 khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Mục tiêu này được Bộ GTVT đưa ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến 2030, Bộ GTVT sẽ tập trung khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thành đầu tư, cải tạo, nâng cấp một số ga trên tuyến đường sắt hiện có Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ tập trung oàn thành chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng), tuyến vành đai phía Đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi).
Mục tiêu của Bộ GTVT khá trùng khớp với kết luận của Bộ Chính trị được đưa ra vào tháng 3/2023 khi đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước 2030. Theo đó, các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.
“Siêu dự án” sẽ được “rót” bao nhiêu tiền?
Một nội dung quan trọng nữa liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chính là nguồn vốn đầu tư sẽ là bao nhiêu và lấy từ đâu?. Vào tháng 4/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kế hoạch này, Bộ GTVT được giao chuẩn bị đầu tư hàng loạt tuyến đường sắt mới kết nối các địa phương, như tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; các tuyến đường sắt kết nối với đầu mối vận tải có lưu lượng lớn, như tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng biển quốc tế Lạch Huyện. Song song với đó là xây dựng mới đoạn tuyến đường sắt nối ray Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc và một số nước; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Tổng mức đầu tư để thực hiện các hạng mục trên dự kiến khoảng 240.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo.
Giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021 – 2030.
Về phương án đầu tư dự án, trong kết luận của Hội đồng thẩm định nhà nước về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT hoàn thiện phương án - kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200-250km/h, tốc độ khai thác khoảng 200km/h thay vì tốc độ 350km/h chỉ khai thác tàu khách.
Bên cạnh đó Hội đồng Thẩm định nhà nước cho rằng thời gian Bộ GTVT đề xuất đến năm 2050 mới đưa vào khai thác toàn tuyến là quá lâu sẽ dẫn đến rủi ro về tăng vốn đầu tư, bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy Bộ GTVT cần hoàn thiện phương án phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo tính khả thi, hoàn thành dự án trước năm 2045.
Những đánh giá, khuyến nghị đối với việc đầu tư “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mà Hội đồng thẩm định Nhà nước đưa ra được kỳ vọng sẽ chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài suốt nhiều năm qua liên quan đến việc lựa chọn phương án đầu tư phù hợp cho dự án này. Bởi trước đó, Bộ GTVT đã từng tìm đến khá nhiều đơn vị tư vấn nhưng mỗi đơn vị lại đưa ra một khuyến nghị khác nhau.
Đơn cử như đơn vị tư vấn đến từ Hàn Quốc khi được thuê nghiên cứu tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam theo hướng nghiên cứu khả thi đoạn Hà Nội-Hà Tĩnh và Nha Trang-Sài Gòn đã đưa ra khuyến nghị tốc độ thiết kế giai đoạn 1 là 200 km/h, giai đoạn 2 là 350 km/h, đường đôi khổ 1.435mm chỉ khai thác tàu khách. Sau đó, các chuyên gia tư vấn Việt Nam và Nhật Bản lại đưa ra phương án nghiên cứu tuyến đường sắt với tốc độ thiết kế 350km/h, đường đôi khổ 1.435mm chỉ khai thác tàu khách.
“Đầu tư cho đường sắt tốc độ cao là đầu tư dài hạn cho tương lai. Đó không chỉ là một tuyến đường sắt hay một con tàu, mà phải đặt ra mục tiêu tổng thể là hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ, để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao an toàn, hiệu quả, bền vững trong "hệ sinh thái" giao thông vận tải hướng đến tự chủ phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông kỹ thuật” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà