“Kinh” hơn kinh doanh đa cấp
Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc iFan kêu gọi vốn đầu tư từ năm 2017 là có thật. Phần lớn người tham gia đều mất trắng số tiền đầu tư. Có nhiều người chọn cách im lặng xem như bài học, nhưng số khác lại quyết đòi lại vốn. “Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thì các quy định hiện hành không thừa nhận các loại tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, tức không được pháp luật thừa nhận. Các tổ chức, cá nhân phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Theo quy định hiện nay xử phạt 150 - 250 triệu đồng đối với những hành vi này. Còn để xác định dự án iFan có lừa đảo hay không thì cơ quan điều tra cần xác minh thêm các dấu hiệu khác mà pháp luật quy định như dự án iFan có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác hay không?”, luật sư Hồ Nguyên Lễ nói.Cũng theo luật sư Lễ, hiện nay Nhà nước công nhận về quản lý hoạt động kinh doanh phương thức đa cấp theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP sẽ được thay thế bằng Nghị định 40/2018/NĐ-CP (có hiệu từ ngày 2/5/2018) do đó kinh doanh đa cấp là hợp pháp. Tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích nhận định: “Mô hình huy động vốn của dự án iFan còn "kinh" hơn cả kinh doanh đa cấp. Cụ thể, nó kết hợp cả hình thức đầu tư lending (thuê vốn và trả lãi bằng tiền ảo iFan cho nhà đầu tư), ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước) và kinh doanh đa cấp (tức là có nhiều cấp)”. Như vậy dự án iFan lẫn lộn nhiều hình thức kinh doanh, do đó đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải bóc tách từng phần, từng giai đoạn của dự án xem giai đoạn nào hợp pháp, giai đoạn nào phạm pháp để xử lý đúng pháp luật. Nếu phát hiện có dấu hiệu gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác thì cần đề nghị khởi tố vụ án để đảm bảo an ninh trật tự xã hội và bảo vệ người bị hại.“Số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng liên quan đến 32.000 người là rất nghiêm trọng. Bởi đằng sau 32.000 người kia là gia đình họ nên sẽ còn ảnh hưởng đến nhiều người hơn nữa. Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định về tiền ảo nhưng trên thực tế vẫn đang diễn ra việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân, nên cơ quan có thẩm quyền cần can thiệp để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra khi mà những hoạt động tiền ảo chưa được pháp luật quy định cụ thể. Về trách nhiệm để hoạt động kinh doanh tiền ảo tồn tại trong thời gian qua phải kể đến các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương nơi để cho hoạt động nói trên tồn tại”, luật sư Hồ Nguyên Lễ cho biết thêm.
Sử dụng, mua bán tiền ảo là hành vi bị cấmLuật sư Trần Thị Ánh - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) khẳng định: Từ tháng 2/2014, NHNN Việt Nam đã khuyến cáo về các hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo khác tương tự. Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam về tiền tệ và ngân hàng thì các loại tiền điện tử không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp vì thế nó không được pháp luật thừa nhận hay bảo vệ. Chính vì chưa thể quản lý đối với loại hình kinh doanh tiền ảo nên ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Trong đó Thủ tướng Chính phủ đã phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện cho các bộ, ngành gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, NHNN Việt Nam và nhiều cơ quan ban ngành liên quan. Nhiệm vụ của Đề án là rà soát hàng loạt bộ luật, luật liên quan đến đầu tư, công nghệ, thuế, phòng chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh về các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Thời gian dự kiến hoàn thành Đề án vào tháng 8/2018”. Theo Luật sư Ánh, trong quyết định 1255 nêu trên, Thủ tướng còn đề nghị khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn… Nghiên cứu khảo sát kinh nghiệm tại một số nước (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Như vậy, dự kiến sau khi Đề án hoàn thiện, những loại tiền điện tử như Bitcoin sẽ được công nhận chính thức ở Việt Nam. Còn hiện tại là bất hợp pháp.
Đã có tiền lệ xử án liên quan tiền ảoLuật sư Trần Thị Ánh cho biết thêm, liên quan đến kinh doanh tiền ảo, vào tháng 9/2017 luật sư có tham gia bảo vệ thân chủ trong vụ TAND tỉnh Bến Tre xét xử vụ ông Nguyễn Việt Cường kiện Chi Cục thuế TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) khi đơn vị này đề nghị truy thu hơn 2,6 tỷ đồng của ông Cường vì mua bán tiền điện tử (Bitcoin,Webmoney) qua mạng internet. Theo đó, từ năm 2008 đến tháng 9/2013, ông Cường tham gia mua bán tiền điện tử (Bitcoin,Webmoney). Tháng 9/2013, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bến Tre mời ông làm việc. Đến tháng 10/2015, Cơ quan ANĐT ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ sang Chi cục thuế TP Bến Tre đề nghị truy thu thuế và đơn vị này ban hành quyết định buộc ông Cường nộp trên 1,6 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân (TNCN), hơn 981 triệu đồng thuế GTGT, tổng cộng trên 2,6 tỷ đồng. Ông Cường khiếu nại rồi khởi kiện. Tại tòa, HĐXX nhận định hiện chưa có quy định pháp luật công nhận tiền điện tử Bitcoin là hàng hoá. Việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế là mặc nhiên công nhận tiền ảo là hàng hoá trong khi Đề án về khung pháp lý để quản lý, xử lý loại tiền ảo chỉ mới đang xây dựng. Việc truy thu thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng hoạt động quản lý tiền tệ của NHNN Việt Nam, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch bất hợp pháp... nên tòa tuyên hủy các quyết định của Chi cục thuế TP Bến Tre.Sở dĩ ngành thuế truy thu thuế ông Cường, vì ngày 1/4/2016 Bộ Tài chính có công văn số 4356/BTC-TCT gởi Cục thuế tỉnh Bến Tre xác định tiền kỹ thuật số là hàng hóa theo Luật Thương mại năm 2005 và là tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2005. Đồng thời cho rằng hoạt động mua bán tiền ảo là hoạt động mua bán hàng hóa được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại, không phải là hành vi bị cấm! Trong khi đó vào ngày 4/8/2017, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bến Tre có công văn khẳng định việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền điện tử làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.