Dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên: Bốn năm chưa xong giải phóng mặt bằng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được kỳ vọng sẽ trở thành khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) kết hợp phát triển dịch vụ du lịch trọng điểm của Hà Nội và khu vực phía Bắc, tuy nhiên, sau gần 4 năm được TP cấp giấy phép quy hoạch, dự án Khu nông nghiệp sinh thái (NNST) ứng dụng CNC Hoa Lâm Viên (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) vẫn chưa thể hoàn tất công tác GPMB.

Người dân chưa đồng thuận

Dự án Khu NNST ứng dụng CNC Hoa Lâm Viên có tổng diện tích theo quy hoạch khoảng 96,6ha. Trong đó, có 50,14ha nằm trong chỉ giới thoát lũ; 46,46ha nằm ngoài chỉ giới thoát lũ và hành lang bảo vệ sông Đuống. Dự án đã được TP cấp giấy phép quy hoạch vào tháng 6/2013, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đồng ý về chủ trương, nhưng phải chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết. Do dự án kéo dài giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên trong quá trình chờ được Thủ tướng phê duyệt, căn cứ vào một số Nghị định hiện hành của Chính phủ, UBND TP đã chấp thuận chủ trương giao Sở TN&MT bàn giao mốc chỉ giới ngoài thực địa để UBND huyện Đông Anh và chủ đầu tư là Công CP Thương mại Bình Phát tiến hành công tác GPMB. Tuy nhiên, dù công tác này được thực hiện từ năm 2015, đến nay vẫn rất chậm chạp, do chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên được tiến hành khá chậm chạp. Ảnh: Lâm Nguyễn

Ông Tô Anh Duy - Phó Giám đốc Chi nhánh Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh, thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT) cho biết, tổng số hộ có diện tích đất cần thu hồi phục vụ dự án là 759 hộ. Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2017, số hộ đã đồng ý kê khai, kiểm đếm tài sản trên phần đất được tạm sở hữu mới chỉ là… 132 hộ. Theo ông Duy, có 2 nguyên nhân khiến phần lớn các hộ chưa đồng ý với chủ trương GPMB. Thứ nhất là các hộ muốn chờ Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với dự án Khu NNST ứng dụng CNC Hoa Lâm Viên. Thứ hai là chưa đồng tình với mức bồi thường, hỗ trợ GPMB.

Khó hoàn tất GPMB trong năm 2017

Liên quan tới phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Công Tuấn - Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại Bình Phát cho biết, đã phối hợp với Sở TN&MT trình UBND TP xem xét, kiến nghị Thủ tướng sớm cho ý kiến. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải đợi đến… tháng 8/2017. Đối với vấn đề đền bù, hỗ trợ GPMB, ông Duy thông tin: Chi nhánh Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh đã thực hiện theo đúng khung giá Nhà nước quy định. Việc người dân kiến nghị bồi thường tới 400 - 500 triệu đồng/sào đất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64 của Chính phủ là trái với quy định pháp luật hiện hành.

Liên quan tới vấn đề này, theo ông Bùi Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Mai Lâm, địa phương đang tích cực tuyên truyền để các hộ dân hiểu, chấp hành quy định của pháp luật, cũng như ủng hộ chủ trương chung của TP. Dù vậy, công tác vận động bà con hiện gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trong năm 2017, khả năng sẽ chỉ có thể thu hồi xong phần đất do tập thể quản lý và DN thuê.

Việc dự án kéo dài không chỉ gây lãng phí lớn đối với quỹ đất màu mỡ ven sông Đuống, mà còn khiến nhiều người dân thêm bức xúc vì “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang hóa quá lâu, trong khi đời sống của người dân xã Mai Lâm vẫn còn không ít khó khăn. Chính vì vậy, nguyện vọng của không chỉ các đơn vị liên quan, mà còn của nhiều người dân là Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết cho dự án nêu trên để địa phương có thêm cơ sở pháp lý thực hiện công tác GPMB, triển khai và sớm hoàn thành dự án, phục vụ các mục tiêu phát triển của Hà Nội.

Diện tích đất cần thu hồi phục vụ dự án Khu NNST ứng dụng CNC Hoa Lâm Viên gồm 3 nhóm: Đất nông nghiệp theo Nghị định số 64 (24,3ha), đất tập thể do UBND xã Mai Lâm quản lý (69,2ha) và đất do Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Đức Mạnh thuê (10,1ha). Trong đó, việc GPMB phần đất nông nghiệp có phần khó khăn hơn cả, do người dân chưa đồng thuận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần