Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật An ninh mạng: Lĩnh vực mới, cần quy định cụ thể

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần thiết phải ban hành Dự án Luật An ninh mạng vừa để bảo vệ an ninh quốc gia, vừa thể hiện trách nhiệm trong hợp tác giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng là quan điểm được các ĐB đưa ra khi Dự án Luật An ninh mạng được trình Quốc hội.

Rà soát kỹ
Dự án Luật An ninh mạng quy định cụ thể vấn đề bảo vệ an ninh mạng, triển khai hoạt động đảm bảo an ninh mạng, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, bảo đảm điều kiện triển khai công tác an ninh mạng... Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, xuất phát từ những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật hiện hành và các yêu cầu, đòi hỏi đặt ra từ tình hình thực tiễn, Ủy ban nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Dự Luật. Tuy nhiên, an ninh mạng là lĩnh vực mới, nên cần phải quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để có căn cứ thực hiện.

Trong Dự Luật, một vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm là quy định tại khoản 4 Điều 34 về việc bảo đảm an ninh thông tin mạng, quy định về văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu thông tin người dùng tại Việt Nam. Nhiều ĐB cho rằng, quy định này không khả thi và gây khó khăn cho DN, cản trở người dùng được tiếp cận công nghệ tốt nhất, đồng thời không làm tăng mức độ an toàn mạng.

Các chuyên gia an ninh mạng của Phòng Cảnh sát công nghệ cao (PC50, Công an TP Hà Nội) kiểm tra dữ liệu thông tin.  Ảnh: Tùng Lâm

Theo ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), đây là điều cần phải bàn bạc kỹ, vì quy định như vậy là bất khả thi và không thiết thực với đặc thù dịch vụ trên không gian mạng. Việc đặt máy chủ dữ liệu ở đâu không quan trọng bằng việc quản lý sử dụng dữ liệu đó như thế nào. Đây là Dự Luật mới, nên phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia, xem xét rất kỹ và đánh giá rất kỹ về đánh giá tác động được và mất những gì. Phải thiết kế làm sao để an ninh mạng đảm bảo sản xuất kinh doanh và đáp ứng yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) lại cho rằng, biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất để kiểm soát tình hình an ninh mạng chính là kiểm soát chặt nhà cung cấp thông tin. Vậy có nên cần thiết đặt máy chủ tại Việt Nam? Tuy nhiên, cũng phải tôn trọng cam kết quốc tế.

Sự vào cuộc chung

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, vấn đề an ninh mạng không quốc gia nào trên thế giới không phải xử lý. Nếu chỉ một quốc gia cũng không thể giải quyết được, mà đòi hỏi có sự đoàn kết thống nhất giữa các quốc gia. Vấn đề mạng đã đi vào mọi mặt của đời sống xã hội và phải đảm bảo kể cả bí mật đời tư của người dân tham gia hoạt động trên không gian mạng chứ không phải chỉ an ninh chung của quốc gia. “Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ đó thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhận định, “chúng ta vào “cuộc chơi chung” thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu không làm chủ”. Trong khi, hiện cần ứng dụng của internet nhiều hơn nữa khi đang phát triển Chính phủ điện tử, thời cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy vậy, phát triển phải song hành với đảm bảo an ninh an toàn. “Lực lượng an ninh mạng không một cơ quan nào có thể đứng ra đảm bảo được mà phải toàn xã hội đóng góp vào. Luật này ra đời để huy động toàn xã hội hiểu được thế nào là an ninh mạng, hiểu được thế nào là nguy cơ và thấy trách nhiệm của mình làm gì để đảm bảo được an ninh mạng”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Cũng đồng tình với quan điểm cần có Luật, một số ĐB lưu ý việc phải rà soát nội dung, tránh trùng lắp, chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng. Các nội dung quy định của Dự Luật phải chặt chẽ, rõ ràng, để không dẫn đến tùy tiện trong quá trình triển khai thực hiện.