Chiều 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Theo nhiều ĐB, việc ban hành Luật này là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn với người lao động (NLĐ), song nhiều quy định trong Dự án Luật còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm.
Thiếu vai trò của địa phương
Tai nạn lao động (TNLĐ) đang trở thành một trong những nỗi lo của toàn xã hội, song thực tế việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ lại chưa được quan tâm nhiều. ĐB Cù Thị Hậu (đoàn Hưng Yên) dẫn chứng một ví dụ hết sức thực tế: Nhiều công trình có TNLĐ gây chết người nhưng được giải quyết rất nhanh, lắng xuống ngay mà không có cơ quan nào xuống kiểm tra. Theo ĐB Cù Thị Hậu, mất an toàn lao động xảy ra chủ yếu đối với lực lượng lao động tự do, không có quan hệ lao động. Cũng chung quan điểm này, ĐB Nguyễn Tiến
Sinh (đoàn Hòa Bình) dẫn chứng, vụ sập mỏ vàng ở Yên Bái làm 8 người thiệt mạng nhưng chỉ đền bù 50 triệu đồng/mạng người. Thử hỏi, lãnh đạo địa phương có trách nhiệm tới đâu trong vấn đề này? Do đó, cần quy định chặt chẽ hơn về quyền, trách nhiệm của NLĐ, người sử dụng lao động và đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương.
Một vấn đề khiến nhiều ĐB băn khoăn là trong Dự án Luật ATVSLĐ chưa nói đến trách nhiệm của Bộ Y tế. Hiện nay, việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ chưa đảm bảo. Ở các khu công nghiệp, công nhân được chủ DN bố trí đi khám sức khỏe nhưng hàng trăm, hàng ngàn lao động chỉ khám trong thời gian ngắn nên chưa kịp kê khai đầy đủ, bác sĩ đã khám xong. Do đó, phải có vai trò của Bộ Y tế trong đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, nhất là đối với lao động ở các lĩnh vực độc hại. Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội), trong Dự thảo Luật có quy định nội dung trách nhiệm của UBND cấp xã, huyện trong kê khai về TNLĐ nhưng còn băn khoăn về tính khả thi, nhất là báo cáo TNLĐ ở khu vực không có hợp đồng lao động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, cần quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên, đảm bảo mục tiêu quan trọng là phòng ngừa TNLĐ, khắc phục tổn thương về sức khoẻ do TNLĐ. Trong đó có những biện pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các nguyên nhân rủi ro trong môi trường làm việc. Đồng thời, yêu cầu các DN phải khai báo, thống kê, báo cáo về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp để có biện pháp khắc phục sự cố.
Quan tâm tới tập huấn
Dự án Luật ATVSLĐ đã mở rộng phạm vi điều chỉnh tới NLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động như nông dân, lao động tự do, giúp việc... Vấn đề chi trả BHXH cho đối tượng này như thế nào được nhiều ĐB quan tâm. Theo thống kê, tính đến năm 2013, kết dư lũy kế của Quỹ BHXH còn hơn 16.000 tỷ đồng. Đây là bất cập cần phải sửa trong Dự thảo Luật lần này nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, nhất là lao động có hợp đồng ngắn hạn. Đặc biệt, để giảm thiểu TNLĐ, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo, tập huấn kiến thức ATVSLĐ cho NLĐ. Đây là nội dung còn khá mờ nhạt trong Dự án Luật.
ĐB Đào Văn Bình (đoàn Hà Nội) đề nghị, cần quy định rõ quyền và trách nhiệm của NLĐ được đào tạo về ATVSLĐ, dù chỉ là lớp ngắn ngày, trong đó có cả trách nhiệm cá nhân NLĐ và chủ sử dụng lao động. Theo ĐB Đào Văn Bình, việc quy định Thủ tướng giao cho các bộ hiện nay còn chung chung. Thay vào đó cần giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ phải viết hướng dẫn quy định ATVSLĐ của ngành mình. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các trung tâm làm nhiệm vụ tập huấn, đào tạo kiến thức về ATVSLĐ để đảm bảo việc xã hội hóa công tác này đạt hiệu quả.
Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội Đào Văn Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Doãn Tấn |
Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi). Trong đó, vấn đề phản biện xã hội, giám sát xã hội được đặc biệt quan tâm. Liên quan đến nội dung phản biện, giám sát, ĐB Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, giám sát, phản biện ở địa phương không dễ. Vì vậy, nếu luật hóa nội dung này sẽ giúp cho Mặt trận làm tốt vai trò này. Hoạt động phản biện xã hội phải chủ động, tích cực; không để các cơ quan Đảng, Nhà nước yêu cầu mới phản biện, vì như vậy không hiệu quả. Vì sẽ ít ai chủ động mời MTTQ phản biện. Do đó, cần có cơ chế để MTTQ chủ động phản biện xã hội khi thấy vấn đề nổi lên. ĐB Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng: Dự Luật nêu khi có yêu cầu thì MTTQ mới tiến hành phản biện xã hội. Như vậy là phản biện theo kịch bản. Còn từ trước tới nay, MTTQ có những kiến nghị để thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Nếu giám sát, phản biện mà chỉ như kiến nghị hiện nay MTTQ đã làm (thu thập thông tin, gửi kiến nghị) thì phải xem lại. (Nguyễn Vũ) |