Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Quy định cụ thể mới khả thi

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp tục được đưa ra thảo luận.

Đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, các quy định cần cụ thể, rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm để luật có tính khả thi hơn.
Chưa sát thực tế
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật liên quan đến một số vấn đề về quan điểm xây dựng Luật, tính khả thi, tính kịp thời của dự án Luật, nguồn lực hỗ trợ DNNVV, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, tiêu chí xác định DNNVV, hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các quỹ, chính sách hỗ trợ tài chính, hỗ trợ xúc tiến thị trường…

Sản xuất phụ tùng xe gắn máy tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Chiến Công

Dự Luật quy định đối tượng hỗ trợ gồm các DN thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN và đáp ứng các tiêu chí DNNVV. Theo thiết kế, các đối tượng này có thể được hưởng các hỗ trợ cơ bản và hỗ trợ trọng tâm dưới hình thức các chương trình tại Chương II của Dự Luật. Tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn về nội dung và kỹ thuật lập pháp trong chương này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân quả quyết: “Luật là luật chứ tại sao có chương trình trong luật. Ngoài ra, một luật sinh ra 5 - 6 loại quỹ là không ổn. Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách cho vay là không đúng nguyên tắc. Quy định về thuế trong dự thảo không được phá vỡ hệ thống chính sách thuế”.
Nhất trí với sự cần thiết, tính cấp bách trong việc ban hành Luật nhằm tạo động lực cho tăng trưởng, phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Dự Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng chung chung, đặc biệt một số nội dung cần đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm hơn nữa. Theo Chủ tịch Quốc hội, phải làm rõ để khi đọc Luật biết DN nào được hỗ trợ và hỗ trợ cái gì. Ngoài ra, hơn 97% DN Việt Nam là DNNVV nên cần tính toán nguồn lực hỗ trợ cho khả thi.
Phải đánh giá hết tác động
Dù đã qua nhiều lần thảo luận, nhưng tính khả thi của các quy định vẫn gây băn khoăn. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn chỉ rõ, nhiều quy định thực tế không có nhiều ý nghĩa, khó khả thi. Ví dụ quy định, HĐND địa phương tuỳ điều kiện quyết định hỗ trợ nhưng phần lớn các địa phương còn phải chờ hỗ trợ từ ngân sách T.Ư nên lấy đâu ra nguồn. Hay về đất đai, mặt bằng, Nhà nước chỉ quy hoạch còn DN thực hiện nên làm sao bắt DN này làm để hỗ trợ DN khác được.
Liên quan đến hỗ trợ tín dụng, đa số ý kiến cho rằng cần có cơ chế mạnh hơn để DN nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn vì nội dung Dự Luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các ngân hàng thương mại cho vay vốn. Do đó nên nghiên cứu lại để ban hành đảm bảo khả thi và đánh giá hết tác động kẻo khi đưa ra thì tiền đâu mà làm.
Cũng liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, việc hỗ trợ theo hướng hỗ trợ cơ bản, tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả các DNNVV được hưởng các hỗ trợ này, mà phải đáp ứng điều kiện hỗ trợ của từng nội dung hỗ trợ cơ bản. Phải quy định rõ những DN được tập trung ưu tiên hỗ trợ là những DNNVV nào.
Trên tinh thần “viết lại cho chặt chẽ hơn”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại một số nội dung như việc hỗ trợ qua hình thức tín dụng, bù lãi suất, không thể qua “con đường ngân sách”; rà soát lại số lượng các loại quỹ… Dự Luật này dự kiến sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trong thời gian tới.
Không nên quy định về ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Dự Luật không nên đụng đến Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thuế, Luật Đất đai bởi đây là những “rường cột” rất cơ bản của nền kinh tế nước ta, nếu sửa các luật này sẽ rất phức tạp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội  Tòng Thị Phóng