Dự án Luật Kiến trúc: Còn “vụng” về kỹ thuật lập pháp, văn phong pháp lý

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội Cuối giờ sáng ngày 8/11, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ cho ý kiến về Dự án Luật Kiến trúc. Đa số ĐB đều khẳng định sự cấp thiết ban hành Luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung trong Dự Luật cần phải xem xét lại.

Tại buổi thảo luận, đa số ĐB đồng tình với việc ban hành Luật Kiến trúc, bởi vấn đề này đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
 Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi thảo luận.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, đến bây giờ mới có Dự Luật Kiến trúc là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không.
ĐB Nguyễn Chiến phân tích: Việc sớm ban hành Luật Kiến trúc nhằm phục vụ công tác quản lý hoạt động hành nghề của kiến trúc sư trong nước và nước ngoài đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang phát triển và nhu cầu xây dựng tăng cao. Xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc còn đảm bảo hoạt động kiến trúc phát triển trong sự cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo đồng bộ, thống nhất các luật khác, như Luật Đấu thầu hay Luật Quy hoạch kiến trúc.
“Hiện nay, một số quy định của luật đối với kiến trúc sư đang quy định tản mạn ở 50 văn bản liên quan nhưng có những khoản đang xung đột, kiềm chế nhau. Đại biểu Nguyễn Chiến nêu ví dụ Luật đấu thầu có nhiều đồ án kiến trúc được nghiên cứu công phu nhưng không phát huy tác dụng vì các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến làm sao đấu thầu trúng thầu với giá cạnh tranh và kiến trúc đơn giản. Những đồ án thiết kế mang tính bền vững, tính thẩm mỹ cao lại bị xem nhẹ, vì vậy Luật Kiến trúc được ban hành sẽ nâng cao vai trò của kiến trúc sư và các công trình kiến trúc sẽ được đề cao”, ĐN Nguyễn Chiến nói.
 Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai phát biểu tại buổi thảo luận.
Tuy nhiên, Nhiều ĐB Quốc hội còn băn khoăn về tên gọi của Dự Luật này. ĐB Đào Tú Hoa và ĐB Bùi Huyền Mai cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nên chỉ tập trung vào nội dung hành nghề kiến trúc và theo đó tên gọi của Luật là Luật Kiến trúc sư. Trong khi đó, Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị sửa tên gọi thành Luật Quản ký kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
Cho ý kiến về tên gọi kỹ thuật lập pháp, ĐB Quốc hội Hoàng Trung Hải cho rằng, quy định trong dự án luật là cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan như vậy không phù hợp. Bởi các văn bản pháp luật thường chỉ quy định đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân. ĐB đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định này cho phù hợp với thực tiễn.
Góp ý vào Điều 4, Dự án luật quy định nguyên tắc hoạt động kiến trúc là sáng tạo những công trình kiến trúc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp tập quán văn hóa Việt Nam. ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng quy định như vậy chung chung, chưa làm rõ kiến trúc truyền thống của Việt Nam là gì. Nhìn ra các nước trong khu vực như Lào, Campuchia hay Thái Lan, các nước này đều có những đặc trung kiến trúc riêng do vậy Chính phủ cần bổ sung, làm rõ các đặc tính của kiến trúc Việt Nam để tạo thuận lợi khi áp dụng vào thực tiễn.
 ĐB Nguyễn Chiến góp ý cho Dự Luật Kiến trúc.
Về Hội đồng Kiến trúc Quốc gia, quy định tại Điều 13, đa số ý kiến đồng ý với sự cần thiết quy định về Hội đồng Kiến trúc Quốc gia tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chính sách, quy định pháp luật về kiến trúc; kiến trúc của một số công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quy định;làm nhiệm vụ phản biện về chuyên môn đối với các ý kiến của cơ quan quản lý hoặc chủ đầu tư.
Tại buổi thảo luận, một số ĐB đồng tình với quy định Hội đồng Kiến trúc Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khi cần thiết và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính linh hoạt, không phát sinh bộ máy.
Tuy nhiên, theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh, Hội đồng Kiến trúc quốc gia được giao nhiều quyền nhưng lại không nêu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của Hội đồng này. ĐB cho rằng Quyền phải đi đôi với Trách nhiệm và nghĩa vụ, do vậy Chính phủ cần bổ sung quy định này trong luật.
 ĐB Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh góp ý cho Dự Luật Kiến trúc.
Một số ý kiến khác cho rằng Hội đồng Kiến trúc Quốc gia nên hoạt động thường xuyên chứ không chỉ được thành lập khi cần thiết, vì kiến trúc quốc gia là cả một quá trình xuyên suốt, để hình thành nên điểm nhấn, sự khác biệt. Ngoài ra ở nhiều địa phương hiện nay Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc vẫn đang hoạt động hiệu quả. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Hội đồng; quy định linh hoạt hơn về thành viên và mở rộng hơn nhiệm vụ của Hội đồng.
Theo quy định trong dự án luật: Thủ tục cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc gồm: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Giấy xác nhận thời gian tham gia thiết kế kiến trúc tại tổ chức hành nghề kiến trúc; Bản sao có chứng thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp; Bản sao có chứng thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục; Bản sao có chứng thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu kết quả sát hạch; Bản sao có chứng thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu giấy xác nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp…
ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng có quá nhiều thủ tục rườm rà, điều này đi ngược lại với chủ trương cải cách hành chính mà Chính phủ đang triển khai. Do vậy, Chính phủ cần quy định theo hướng kết nối liên thông và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm giảm thủ tục hành chính cho người dân.
 ĐB Đào Tú Hoa góp ý cho Dự Luật Kiến trúc.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai cho rằng, một số quy định của dự án Luật còn nặng về định tính, khó khả thi. Nữ ĐB Quốc Hội dẫn chứng, về quy chế quản lý kiến trúc, Khoản 1 Điều 12 quy định "quy chế quản lý kiến trúc này phải được cơ quan phê duyệt xem xét, rà soát đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với quy hoạch xây dựng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn".

Theo ĐB Bùi Huyền Mai, về thời hạn xem xét điều chỉnh, trong thực tiễn hiện nay, việc không quy định rõ thời hạn điều chỉnh sẽ rất dễ đến việc thực hiện tùy tiện.

Góp ý với Điểm c Khoản 3 về điều kiện điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc, Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đề nghị xem lại vì hoàn toàn mang tính định tính, không có định lượng khi quy định "quy chế không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến phát triển triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội môi trường sinh thái của địa phương". Quy định như vậy không rõ và khó triển khai trong thực tiễn khi xác định căn cứ điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc.

Với Điều 13 về Hội đồng kiến trúc Quốc gia, đại biểu Bùi Huyền Mai cũng nhận xét là mang tính "tùy nghi" và không có căn cứ thực hiện vì có thể khi nào Thủ tướng Chính phủ thấy cần thiết, sẽ thành lập Hội đồng kiến trúc Quốc gia của một số công trình kiến trúc quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quy định, còn không thì sẽ không thành lập.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần