Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội dự kiến thông qua vào cuối năm 2023

Hồng Thái. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XV; trình Quốc hội vào Kỳ họp giữa năm và thông qua vào Kỳ họp cuối năm 2023” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chiều tối 30/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các đồng chí ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, TP Hà Nội dự hội nghị

Tham dự hội nghị, về phía đại biểu T.Ư có các Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về phía TP Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.

Đề xuất sửa đổi toàn diện Luật để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, qua tổng kết 8 năm thi hành Luật Thủ đô cho thấy: Luật Thủ đô, các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển KT-XH; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô. TP Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

 Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, Hà Nội cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đảm bảo trật tự, an toàn, kỷ cương xã hội. Những tồn tại, hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, một trong những nguyên nhân khách quan rất quan trọng là hệ thống pháp luật còn có những hạn chế, vướng mắc, thậm chí là “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển. Qua 8 năm thi hành Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành Luật không cao, dẫn đến Luật Thủ đô khó đi vào cuộc sống.

“Từ kết quả tổng kết, Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và mong nuốn của Nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội...” - Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, TP Hà Nội đề xuất sửa đổi cơ bản Luật Thủ đô theo những định hướng lớn như sau: Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền TP theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, giảm tầng nấc trung gian, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn của Thủ đô. Cùng đó, tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực: Tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính – ngân sách, đầu tư, xây dựng, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự... nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của TP.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo tại hội nghị

Ngoài ra, xây dựng những cơ chế chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, phù hợp điều kiện thực tiễn và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Xanh - Thông minh - Hiện đại”; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của vùng, của đất nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII.

Đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của TP Hà Nội trong việc tổng kết, đề xuất định hướng sửa đổi Luật Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, quá trình tổng kết Luật Thủ đô được chuẩn bị bài bản, thận trọng, đúng hướng. Các thành viên tham gia đa dạng thành phần, tiếp thu đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội vào cuộc ngay từ đầu cùng cơ quan soạn thảo. Dự án Luật Thủ đô sửa đổi đã được Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, đưa vào 1 trong 137 nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV...

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có tầm nhìn bao quát

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và chính quyền TP đã chủ động, tích cực, trách nhiệm trong việc tổng kết 8 năm thi hành Luật Thủ đô để kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, ban hành Luật Thủ đô (mới) nhằm tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ, toàn diện, tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo Chủ tịch Quốc hội, mặc dù TP Hà Nội phải phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép” nhưng đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ biên tập xây dựng dự án Luật từ rất sớm. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XV; trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm và thông qua vào kỳ họp cuối năm 2023. Để thực hiện được tiến độ này, Hà Nội phải phấn đấu trình Chính phủ trước ngày 1/3/2022.

Nhất trí với báo cáo của Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Luật Thủ đô năm 2012 có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng quá trình triển khai, tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, tồn tại, còn chủ yếu mang tính chất khung, nguyên tắc, định hướng, tính hiện thực còn hạn chế; thậm chí một số khoản, điều của luật khác ban hành sau cao hơn Luật Thủ đô. Mục tiêu tạo đột phá cho Thủ đô phát triển của Luật Thủ đô năm 2012 chưa đạt được. 

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội dự kiến xem xét và thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tại hai Kỳ họp trong năm 2023
Để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Thủ đô trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, TP Hà Nội cần tổng kết thực hiện Luật Thủ đô song song với việc tổng kết các Nghị quyết, kết luận của Bộ chính trị, cũng như rà soát vấn đề quy hoạch. Đồng thời, đánh giá Nghị quyết 115 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với TP Hà Nội. Cùng đó, TP Hà Nội nghiên cứu, đề xuất các chính sách để bổ sung trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, cần rà soát, xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Thủ đô có tầm nhìn bao quát hơn so với luật hiện hành, để tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô trong tiến trình phát triển đi lên của đất nước; tạo cơ sở động lực cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn trong giai đoạn mới, theo phương châm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

"Ngoài ra, Hà Nội tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm, nguồn lực chất xám từ đội ngũ cán bộ khoa học trong quá trình xây dựng, thiết kế sửa đổi Luật Thủ đô; nghiên cứu việc áp dụng pháp luật để giữa Luật Thủ đô không bị các luật khác bao phủ” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tiếp thu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, hội nghị có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội quý báu để Hà Nội tiếp thu các ý kiến định hướng của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến góp ý của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những chính sách cần thiết để giải quyết những bất cập của thành phố, tạo cơ chế đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội trân trọng cảm ơn và tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, trên cơ sở đó sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, vị trí, vai trò, đáp ứng yêu cầu, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với Thủ đô Hà Nội.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội dự kiến thông qua vào cuối năm 2023 - Ảnh 7
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, TP Hà Nội dự hội nghị

Nhấn mạnh thời gian từ nay đến hết năm 2021 không còn nhiều, khối lượng công việc lớn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ý kiến góp ý của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu để hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Bộ Chính trị trong tháng 12/2021 theo kế hoạch.