Còn nhiều thiếu sót
Về tinh thần chung, đa số ĐB tán thành cho rằng, việc ban hành Luật Trồng trọt thay thế cho Pháp lệnh trồng trọt ở nước ta thời điểm này là rất cần thiết, thậm chí có thể nói là hơi muộn. Tuy nhiên, về các quy định cụ thể trong dự luật này, nhiều ĐB cho rằng còn chung chung, chưa chặt chẽ, chưa đủ sức bảo vệ người nông dân hoặc chưa phù hợp.
Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội): Dự án Luật trồng trọt tác động trực tiếp đến khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nên cách diễn đạt, trình bày cần diễn đạt cho dễ hiểu, gần gũi với khu vực nông thôn, nông dân hơn. “Bản thân tôi khi đọc dự thảo Luật Trồng trọt thấy “bác học” quá. Luật dành cho bà con nông dân mà sử dụng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành gây khó hiểu cho người đọc, thậm chí phải tra từ điển”, ĐB Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.
Cũng theo ĐB Ngọ Duy Hiểu: Luật chưa giải quyết được những vấn đề liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và sản xuất hàng hóa. “Tôi cho rằng, dự luật cần phải được bổ sung các vấn đề như: Quy định nghiêm ngặt và chặt chẽ trong vấn đề đưa các loại giống, phân bón ở nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra quốc tế; có chính sách nghiên cứu và lai tạo các loại giống mới; định hướng sản xuất tập trung và sản xuất hàng hóa…
Đồng quan điểm với ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, ĐBQH Lê Quân cho rằng, Dự án Luật trồng trọt phải tiếp cận theo chuỗi giá trị. Cần đưa vào Luật nhiều vấn đề mới như: Công nghệ, phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, chỉ dẫn nguồn gốc, vùng chuyên canh theo cấp huyện/xã, xác định giá trị… “Với dự luật như thế này, cần bổ sung thêm rất nhiều mới có thể giải quyết được những vấn đề của ngành trồng trọt”, ĐB Lê Quân nhấn mạnh.
Đánh giá Dự thảo Luật Trồng trọt có cấu trúc phù hợp, gồm 7 chương và 82 điều. Các nội dung được quy định khá rõ về giống, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, chế biến, bảo quản, xuất khẩu...
Tuy nhiên ĐB Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, dự luật vẫn còn nhiều thiếu sót như: Một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng của trồng trọt ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm trồng trọt là nước/nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật thì chưa thấy đề cập nhiều. Việc quản lý và chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt có quy định, có tiêu chuẩn rõ nhưng còn mảng rất quan trọng trong lĩnh vực này là quản lý, chế biến, xuất /nhập khẩu phụ phẩm trồng trọt chưa có. Một trong những lĩnh vực sôi động và chiếm phần lớn giá trị trong kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản quốc tế, trong đó vướng mắc quan trọng là sự quản lý logistics, logistics với những sản phẩm trồng trọt cũng nên có những quy định cụ thể hơn…
Phải hướng đến khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”
Trong khi đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Dự Luật Trồng trọt chưa đề cập đến các vấn đề an toàn thực phẩm, như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ trong trồng trọt hiện nay là thiếu sót. “Tôi nghe là mỗi ngày chúng ta nhập tới 2 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật, cái này đúng không? Nên có một số quy định trong luật để quản lý chặt, đồng bộ không chỉ với phân bón mà cả thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta có kiểm tra, kiểm soát không hay người dân muốn dùng bao nhiêu thì dùng” - ĐB nói.
Cùng với đó, các ĐB cũng cho rằng, Luật trồng trọt phải hướng đến khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” do khủng hoảng thừa nông sản, khi người dân thấy cây giống gì trồng có hiệu quả kinh tế thì đổ xô vào trồng theo rồi năm sau lại phải đi giải cứu. “Vừa rồi, bao nhiêu vụ giải cứu. Từ giải cứu lúa, hành tím, củ cải, dưa hấu… những tác hại đó kinh khủng khiếp. Rồi hệ lụy từ việc nhập các loại giống không đảm bảo, bà con nông dân đã khóc ròng trên ruộng, lúa không trổ bông, bắp không có trái, khoai ruột vàng thành ruột trắng. Hay lại có những chiến dịch như thu mua bắp non, đang chuẩn bị thu hoạch đi vặt trụi. Trước đây có vụ thu mua rễ cây trà, càng cổ càng lâu năm càng đắt… Rất nhiều bài học liên quan đến trồng trọt như vậy” – ĐB Bùi Đặng Dũng (đoàn An Giang) nêu. Đồng thời cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của dự luật chưa nêu rõ, dự thảo Luật cũng chưa đảm bảo khắc phục được.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà (đoàn Hà Tĩnh): Mối quan hệ giữa Luật Trồng trọt với Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản cần làm rõ nội hàm, phạm vi xem tập trung về giống hay vấn đề nào khác, hoặc chung chung. Nếu không quá trình liên quan đến giống, canh tác, khai thác thì lại không sâu. Trong nông nghiệp hiện nay chúng ta nói đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhưng trong Dự Luật này lại không thể hiện được. Như thế nào là phân bón hữu cơ, như thế nào là phân bón sinh học… đề không rõ. Do đó trong Dự Luật này, đề nghị cần thiết kế thêm một chương về nông nghiệp hữu cơ, không đánh đồng nông nghiệp hữu cơ với nông nghiệp chất lượng cao.