Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội: Nỗ lực vượt khó khăn, đảm bảo “mục tiêu kép“

Vũ Khoa/Giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) thí điểm của TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm tiến độ.

Từ đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội tại Thủ đô Hà Nội nói chung và cho Dự án nói riêng. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vẫn xác định quan điểm xuyên suốt là kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” - kết hợp hài hòa, hiệu quả vừa chống dịch an toàn vừa duy trì triển khai thi công đảm bảo tiến độ của Dự án.
Thực hiện nghiêm phòng, chống Covid-19
Thực hiện các chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021, các công điện số 17, 18, 19, 20 của UBND TP, tại MRB việc cấp thiết, quan trọng trước hết là tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Dự án hiện đang duy trì thi công cả 9 gói thầu, hàng ngày tại Dự án có khoảng 600 người lao động làm việc (bao gồm làm việc trực tiếp trên công trường, tại văn phòng và trực tuyến).
  Công nhân thực hiện khai báo y tế khi tới làm việc tại depot.
Ngay khi nhận được chỉ đạo về phòng, chống dịch, MRB đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị tham gia dự án để hướng dẫn và đôn đốc theo đó nhà thầu, tư vấn đã hiểu rõ và nghiêm túc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, có Tổ An toàn Covid và đường dây nóng ngay tại công trường.
Đối với những công việc bắt buộc làm trực tiếp tại hiện trường thì mới huy động, luân phiên hoặc theo ca ngoài giờ để giảm tổng số người có mặt tại nơi làm việc, quản lý nhân sự cấp giấy đi đường đúng đối tượng, đúng mục đích, thực hiện nghiêm nguyên tắc “Một cung đường, hai điểm đến”; triển khai giờ làm việc linh hoạt để giúp người lao động tránh những ngày giao thông đông đúc và giờ đi lại cao điểm; thực hiện khai báo bằng mã QR Code đảm bảo nhanh chính xác dễ thống kê, chuẩn bị cơ sở vật chất thiết yếu như khẩu trang, nước rửa tay, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên, bố trí phòng cách ly tạm thời khi cần thiết.
 Tại mỗi vị trí làm việc, nhà thầu chia nhỏ số lượng người lao động để đảm bảo khoảng cách.
Người lao động khi vào công trường và địa điểm làm việc đều nghiêm túc tuân thủ thực hiện 5K trong suốt quá trình làm việc; giãn cách tối thiểu 2m; không đến làm việc khi có một trong các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… và người thuộc đối tượng F1, F2; luôn sẵn sàng kích hoạt hệ thống ứng phó trong mọi tình huống.
Dịch bệnh gây ảnh hưởng đến tiến độ
Trong 8 tháng đầu năm 2021 dù trong bối cảnh dịch Covid-19, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cùng các Nhà thầu vẫn triển khai thực hiện dự án và đạt được những kết quả khả quan: tiến độ chung Dự án đạt được 74%/ kế hoạch năm 77,76%; tiến độ đoạn trên cao đạt 89,41%/ kế hoạch năm đạt 100%.
Công nhân thực hiện gói thầu CP02 tại ga S5 làm việc sau rào phân cách. 
Theo MRB, diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của Dự án, làm đứt gãy, gián đoạn quá trình triển khai thi công. Do đó, nhiệm vụ triển khai Dự án đảm bảo tiến độ đề ra trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất nặng nề và khó khăn dưới tác động nhất định của dịch Covid-19, cùng với việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát công trường gây biến động cho tiến độ các dự án xây dựng.
Trong quá trình thi công, việc hạn chế đi lại giữa các địa phương nên việc huy động công nhân, trang bị máy móc của nhà thầu khó khăn, nhà thầu không đủ nguồn lực để triển khai thực hiện. Môi trường làm việc luôn áp dụng các biện pháp hạn chế, cách ly, giữ khoảng cách nên ảnh hưởng phần nào đến công tác thi công.
Để thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa triển khai dự án, MRB cũng đưa ra một số đề xuất, trước mắt đó là ưu tiên thực hiện việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% người lao động đang tham gia Dự án; sớm ban hành cơ chế đặc thù và kinh phí đi kèm đối với công tác phòng, chống dịch của Dự án.
 Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đảm bảo tiến độ dự án gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, đề xuất các cơ quan liên quan hỗ trợ tạo điều kiện để MRB có thể huy động chuyên gia nước ngoài, xe chuyên trở, cung ứng về thiết bị, vật tư, vật liệu phục vụ thi công từ nước ngoài, từ các tỉnh khác đến công trường thuận lợi, đảm bảo tiến độ của dự án hay giảm bớt các yêu cầu báo cáo trung gian về số liệu phòng chống Covid để MRB và các bên tập trung thực hiện Dự án và phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.
Dù đã rất nỗ lực, nhưng theo MRB, có khả năng Dự án sẽ không đạt được mốc tiến độ khai thác, vận hành vào cuối năm 2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần