Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Thủy điện Pắc Lay sẽ tác động xấu đến Đồng bằng sông Cửu Long

SÔNG HƯƠNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà khoa học tại Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (UBSMCVN) cho rằng Dự án thủy điện Pắc Lay của Lào còn nhiều thiếu sót, kết quả đánh giá định tính nhiều hơn định lượng. Pắc Lay là một trong bốn dự án thủy điện của Lào có thể tác động xấu đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hội thảo tham vấn quốc gia Dự án Thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào tại TP Hồ Chí Minh diễn ra hôm nay. Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào nhằm ba mục tiêu chính.
 Hội thảo tham vấn quốc gia Dự án Thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào tại TP Hồ Chí Minh diễn ra sáng 18/9
Thứ nhất là UBSMCVN, Bộ TNMT và các bộ ngành có liên quan đánh giá tác động của công trình Pắc Lay, bao gồm cả tác động xuyên biên giới, trong bối cảnh tác động tổng thể của toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính, kịp thời báo cáo lãnh đạo Đảng và Chính phủ xem xét quyết định.
Thứ hai là giúp Việt Nam tham gia một cách tích cực, hiệu quả và có tính xây dựng trong quá trình tham vấn vùng cho Dự án thủy điện dòng chính Pắc lay do Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức, tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng trong lưu vực và quốc tế, phối hợp chặt chẽ các cơ quan có liên quan của Lào, góp phần duy trì quan hệ hữu nghị Việt – Lào.
Thứ ba là giúp các Bộ ngành, địa phương và các cộng đồng có liên quan ý thức và hiểu được các quan điểm của Việt Nam đối với Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay nói riêng và phát triển thủy điện thượng nguồn nói chung…
Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long – Ông Trần Hoàng Tựu nhận định, việc tác động dừng xây dựng Dự án thủy điện Pắc Lay là rất khó. Việc cần làm là chúng ta phải có đánh giá lợi ích và thiệt hại tổng thể, để cùng kiến nghị Lào thực hiện dự án nhưng giảm tối đa tác động xấu đến các nước liên quan.
“Dự án này nằm cách các tỉnh Đồng bằng sông cửu long 1.600 km. Nếu dự án Pắc Lay đi vào hoạt động, có thể sẽ làm co hẹp dòng chảy tự nhiên, gây thiếu nước ở hạ lưu vào mùa khô, xảy ra tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở. Năm 2016, thời tiết cực đoan đã tác động 13 tỉnh ĐBSCL, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 20 triệu người. Vì vậy, chúng ta cần đánh giá cụ thể, xây dựng kịch bản ứng phó lâu dài để không bị động”- Ông Tựu kiến nghị thêm.
Đại biểu tỉnh An Giang cũng kêu gọi các nhà khoa học cần chứng minh bằng số liệu cụ thể, tham vấn cho lãnh đạo Chính phủ, để từ đó tác động đến các dự án thủy điện của Lào theo hướng có lợi nhất.
Pắc Lay là dự án thủy điện trên dòng chính thứ tư của Lào và được chuẩn bị nghiên cứu từ lâu. Cụ thể, năm 1994, Ủy ban Mê Công tiến hành điều chỉnh nghiên cứu uy hoạch tổng thể dự án thủy điện dòng chính. Năm 2007, Chính phủ Lào ký MOU với công ty Sinohydro (Trung Quốc) thực hiện nghiên cứu khả thi trong 30 tháng. Năm 2009, công ty Norcosult (Na Uy) đã thực hiện xong và giao nộp nghiên cứu so bộ tác động môi trường (IEE). Tháng 3/2018, công ty Sinohydro và CEIEC tiến hành nghiên cứu kỹ thuật. Tháng 6/2018, Lào (LNMC) thông báo cho Ủy hội để tiến hành thủ tục tham vấn.
Đại biểu tham vấn tại hội thảo
Theo dự kiến của Bộ Năng lượng và Mỏ, Cục Kế hoạch và chính sách năng lượng của Lào, sản lượng điện của dự án này sẽ bán cho Thái Lan (khoảng 85%) và phần còn lại (15%) là sử dụng trong nước. Dự án thủy điện Pắc Lay được thiết kế với công suất lắp đặt 770 MW; Sản lượng điện 4.125 GWh; Dung tích hữu ích hồ chứa 58 triệu m3; Cột nước thiết kế 14,5 m; 14 tổ tuốc-bin…
Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay rất gần với Thái Lan. Do vậy các cộng đồng có liên quan và các tổ chức phi chính phủ của Thái Lan lo lắng về an toàn đập, đặc biệt là sau sự cố vỡ đập Xê-pan Xê-nậm-noi. Phía Thái Lan đã đề nghị phía Lào làm rõ tiêu chuẩn an toàn đập của Trung Quốc áp dụng cho công trình thủy điện Pắc Lay.
Campuchia (chủ yếu là cộng đồng có liên quan và tổ chức phi chính phủ) cũng quan tâm đến tác động xuyên biên giới của các công trình thủy điện dòng chính và quyết định mới đây của Chính phủ Lào về việc tạm dừng xem xét các đầu tư mới xây dựng thủy điện sau sự cố vỡ đập Xê-pan Xê-nậm-noi.
Việt Nam mong muốn phối hợp chặt chẽ với Thái Lan và Campuchia trong quá trình tham vấn để tìm sự đồng thuận của các quốc gia ven sông khác về các vấn đề kỹ thuật, kế hoạch của quá trình tham vấn, tránh tạo ra các sự khác biệt không cần thiết…
Theo đánh giá của UBSMCVN đánh giá, báo cáo Dự án thủy điện Pắc Lay (Chủ đầu tư là các công ty của Trung Quốc) còn nhiều khiếm khuyết về: Thiếu số liệu tham chiếu, không áp dụng phương pháp đánh giá, phân tích hợp lý, chưa kiểm chứng tính hiệu quả của các đề xuất giảm thiểu trong thiết kế công trình. Chưa xây dựng công trình quan trắc toàn diện cho quá trình xây dựng và vận hành. Chưa thực hiện việc đánh giá tác động toàn diện bao gồm cả các tác động xuyên biên giới và lũy tích của các công trình thủy điện dòng chính…
Vì thế, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi, hợp tác và giải quyết bất đồng liên quan đến lợi ích từ các dự án thủy điện trên sông Mê Công.