Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô: Giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ số một

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang được triển khai rốt ráo, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) và chuẩn bị nguồn cung vật liệu xây dựng.

Hà Nội nỗ lực triển khai

Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt, được Chính phủ, Quốc hội và các tỉnh, TP liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư. Phát biểu tại phiên họp thứ hai, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, TP đặt ưu tiên số một là hoàn tất công tác GPMB cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Phối cảnh dự án Vành đai 4.
Phối cảnh dự án Vành đai 4.

Hà Nội sẽ cần tới 741ha đất để thực hiện dự án; công tác GPMB liên quan đến 7 quận, huyện; đặc biệt phức tạp là việc di dời hàng vạn ngôi mộ. TP đặt mục tiêu đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng sạch cho dự án, hết năm 2023 sẽ bàn giao 100%.

Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại Quyết định số 2915-QĐ/TU ngày 5/7/2022 do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban, lãnh đạo HĐND, UBND TP Hà Nội, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và các sở, ngành liên quan làm thành viên. Dự kiến Ban hành quyết định Thành lập Ban Chỉ đạo ngay trong tháng 9 này.

Ngày 13/9/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội. Hà Nội đã giao 7 quận, huyện có Vành đai 4 đi qua làm chủ đầu tư các dự án GPMB, tái định cư.

“TP đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng xây dựng các khu nghĩa trang mới để chuẩn bị vận động người dân di dời mồ mả nằm trong phạm vi GPMB” - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi ý Hà Nội nên phối hợp cùng các tổ chức tôn giáo, hỗ trợ tối đa cho người dân trong các vấn đề nghi lễ, tâm linh để người dân yên tâm thực hiện việc di dời các ngôi mộ.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư dự án Vành đai 4 - cho biết, Ban đã đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác lập thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi nhóm dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đặc biệt liên quan đến quy trình, thủ tục, nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh chủ trì thẩm định đối với nhóm dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Chủ động nguồn cung vật liệu

Bên cạnh việc chuẩn bị tốt cho công tác GPMB, Hà Nội cũng đang phát huy vai trò chủ đạo, cùng hai tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh xây dựng kế hoạch phối hợp liên vùng nhằm triển khai có hiệu quả dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Hiện TP Hà Nội đã hoàn thiện và ký Kế hoạch phối hợp liên vùng, gửi UBND hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cùng ký và triển khai ngay.

Dự kiến trong tháng 9 này, Hà Nội sẽ hoàn thành việc lập, phê duyệt chỉ giới đường đỏ toàn tuyến trên địa bàn TP; phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần trong tháng 12; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trong tháng 1/2023.

Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản góp ý về danh mục tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho Dự án. Hiện đơn vị Tư vấn (TEDI) đang hoàn thiện, bổ sung thêm các Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật… theo góp ý này. Dự kiến các vấn đề về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ lấy ý kiến của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng trước 25/9 để làm cơ sở lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần.

Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ xong 3/5 đoạn tuyến đường Vành đai 4, đoạn qua địa bàn TP, tương đương với 43,7/58,2km; phê duyệt phần còn lại ngay trong tháng 9. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã hoàn thành công tác cắm mốc đối với 3 đoạn được phê duyệt chỉ giới.

Riêng 6,5km đoạn qua sông Đáy (thuộc huyện Hoài Đức) đang thống nhất thỏa thuận phương án thiết kế với Bộ NN&PTNT, dự kiến sẽ cắm xong mốc trong tháng 10. Các nút giao kết nối với đường song hành sẽ cắm mốc chỉ giới theo thiết kế nút được duyệt.

Đại diện chủ đầu tư cũng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bước chuẩn bị đầu tư, bao gồm: Gói thầu Tư vấn lập nhiệm vụ - dự toán công tác chuẩn bị đầu tư; Gói thầu tư vấn thẩm tra nhiệm vụ - dự toán công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 9.

Ban Quản lý dự án đã hoàn thiện Dự thảo Thông báo khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 3 (đường cao tốc thực hiện theo hình thức đối tác công - tư), gửi các sở, ngành tham gia ý kiến. Dự kiến Thông báo khảo sát sẽ hoàn thiện, đăng tải thông tin trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong tháng 9.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin thêm, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có kế hoạch phối hợp cùng Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Bắc Ninh, làm việc với một số tỉnh, TP lân cận dự án về chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là ưu tiên số hai sau công tác GPMB và cần làm ngay để chủ động nguồn cung cho dự án.

 

Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô có tổng chiều dài 112,8km. Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Dự án qua địa phận 3 tỉnh, TP gồm: Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (25,6km và tuyến nối 9,7km). Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi đất 1.341ha.

"UBND TP Hà Nội đã rất tích cực chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan triển khai dự án Vành đai 4 -Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, khối lượng công việc là rất lớn, đòi hỏi nỗ lực rất cao để hoàn thành." - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần