Theo Standard Chartered, dữ liệu tháng 9/2023 có thể sẽ cải thiện so với tháng trước nhờ doanh số bán lẻ. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 9/2023 được kỳ vọng duy trì mạnh ở mức 8,2% so với cùng kỳ, xuất khẩu được dự đoán giảm 6,2% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 7% và tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng lên 3,2%. Thặng dư thương mại có thể thu hẹp xuống 1,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, lạm phát có thể tăng trở lại, lên 3,2% so với cùng kỳ (lạm phát tháng 8 đạt 3,0%). Giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và thực phẩm đã thúc đẩy lạm phát trong thời gian gần đây, trong khi áp lực lạm phát từ hoạt động giao thông vận tải đã giảm bớt.
Trước đó, tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023.
TS Cấn Văn Lực đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023. Trong đó cả 3 đều dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 đều thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2 - 5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4 - 4,5%.
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành (Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam) đánh giá, ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021 - 2025 là vô cùng khó khăn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kinh tế 6 tháng đầu năm tăng 3,72%. Để đạt mục tiêu GDP tăng 6,5% năm nay, hai quý cuối năm phải đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 9%.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp cho biết, OECD nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay gặp khó khăn nên hạ dự báo GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024.