Đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, GDP sẽ tiếp đà tăng trưởng tích cực của năm 2018. Năm 2018, tất cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đều đạt và vượt. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, theo dự báo của CIEM cả năm 2018 ở mức 13,34%, thặng dư thương mại 5,1 tỷ USD. Đây là thành tích đáng kể, góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển tương đối vững chắc và ổn định.
|
Dây chuyền lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công. Ảnh: Nguyễn Lương |
Liên tiếp mấy năm vừa qua, Việt Nam đã hoàn thành vượt mức kế hoạch mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu thường gấp đôi, gấp ba tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, khi đánh giá về chỉ tiêu xuất nhập khẩu do Chính phủ đề ra cho năm 2019, TS Phạm Tất Thắng tin tưởng, Việt Nam sẽ đạt được các kết quả như kỳ vọng và cho rằng, nếu Chính phủ và DN có cách làm đột phá từ thì kết quả còn có khả năng tăng cao hơn nữa.
"Việc giữ được lạm phát ở mức 4% trong năm 2018 đã có thể xem là rất thành công. Trong quá khứ, yếu tố cốt lõi và sâu xa đã đẩy lạm phát của Việt Nam lên trên hai con số là cung tiền. Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc triển khai các dự án đầu tư công, không triển khai các dự án có tính lan tỏa thấp, tập trung vào các dự án có quy mô lớn và rút ngắn tối đa thời gian triển khai. Các DN cần tiết kiệm chi phí sản xuất và cần tính đến việc huy động nguồn vốn từ thị trường chứng khoán thay vì từ các ngân hàng để tránh nguy cơ gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh. " - TS Cấn Văn Lực |
Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh thì cho rằng: “Mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% là hợp lý để chúng ta có thêm dư địa tập trung hơn cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng". Các chỉ tiêu kinh tế Quốc hội đặt ra đòi hỏi sự phấn đấu rất toàn diện. Môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng.
Thận trọng kiềm chế lạm phátVề chỉ tiêu lạm phát, CPI khoảng 4% cho 2019 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình là bảo đảm thận trọng trước sức ép lạm phát ngày càng lớn. Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó, lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện.
TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) bày tỏ lo ngại về lạm phát trong năm 2019 và các năm sau. Đặc biệt, lạm phát quý III/2018 vẫn còn ở mức cao, chủ yếu đến từ việc giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh và sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu liên tục. Trên thế giới, lạm phát tăng nhanh, bên cạnh việc đồng USD và dầu thô tăng giá cũng như căng thẳng thương mại leo thang, đồng NDT giảm, tại nhiều quốc gia, sức ép lên chi phí vốn đang lan tỏa khi bắt đầu tăng mức lãi suất điều hành nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát và dòng vốn tháo chạy. Trong nước, lạm phát gia tăng mạnh mẽ đang trực tiếp tạo sức ép lớn lên lãi suất.
“Nhìn vào diễn biến lạm phát trong năm 2018, CPI được dự báo ở mức 4%, mức cao nhất kể từ 2014. Diễn biến của tình hình giá năng lượng trên thế giới vẫn ở mức cao và việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng) kể từ 1/1/2019 sẽ tạo ra rủi ro lạm phát cho năm sau” - TS Thành phân tích.
TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) cho rằng, chỉ tiêu CPI năm 2019 khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Song, cần lưu ý Chính phủ mục tiêu Quốc hội đã giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020 và cần chủ động có thêm các giải pháp mang tính dự phòng.