Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự báo mùa bão năm 2021 diễn biến ra sao?

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, từ nay đến khoảng tháng 5/2021 ít có khả năng xuất hiện bão và ATNĐ trên Biển Đông; giai đoạn tháng 6 - 7/2021 bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4 - 6/2021) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

 Cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trong các tháng mùa mưa bão năm 2021. (Ảnh minh họa)
Đề phòng các cơn bão mạnh
“Từ nay đến khoảng tháng 5/2021 ít có khả năng xuất hiện bão và ATNĐ trên Biển Đông; giai đoạn tháng 6 - 7/2021 bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ trong những tháng 8 - 10/2021. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2021”.  Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Hưởng -  Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cung cấp thông tin báo chí về dự báo mùa bão năm 2021 tại buổi họp báo chiều ngày 15/4.
Dự báo mùa mưa trong những tháng tiếp theo, ông Nguyễn Văn Hưởng nêu rõ, trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4 - 6/2021) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc. Trog đó, mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng bắt đầu sớm hơn so với TBNN, từ nửa cuối tháng 4 đầu tháng 5/2021.
 Đại diện lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cung cấp thông tin báo chí chiều ngày 15/4.
Mưa trong các tháng 5 - 8 ở Bắc Bộ xấp xỉ trung bình nhiều năm, tuy nhiên giai đoạn nửa cuối tháng 8 trở đi ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng, đề phòng khả năng xuất hiện mưa cực đoan. Từ tháng 9 trở đi mưa dịch dần về phía các tỉnh miền Trung (theo quy luật) giai đoạn các tháng chính vụ mùa mưa ở miền Trung có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn, mưa cực đoan vào giai đoạn cuối năm.
Đặc biệt, từ tháng 6 - 9/2021 nhiệt độ trên cả nước phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5 - 1,00C. Tháng 10/2021 nhiệt độ phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ, riêng khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1,00C so với TBNN.
Như vậy nắng nóng ở Bắc Bộ và miền Trung sẽ tập trung vào giai đoạn tháng 6 - 8/2021. Tuy nhiên không gay gắt và kéo dài như năm 2020.
Cung cấp thông tin về “rét nàng Bân”, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, rét nàng Bân là đợt rét cuối cùng của mùa đông xảy ra vào tháng 3 Âm lịch ở miền Bắc Việt Nam. Theo thống kê vào thời điểm tháng 3 Âm lịch thường rơi vào thời đoạn cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 dương lịch. Trong thời gian này, không khí lạnh vẫn còn hoạt động và vẫn có những đợt gây ra trời rét (tức nhiệt độ trung bình ngày dưới 20 độ C). Tuy nhiên, không phải năm nào cũng xảy ra thời tiết trời rét trong giai đoạn này. Theo thống kê, tần suất xuất hiện các đợt rét trong thời gian này khoảng 30%. Như vậy, trung bình  cứ 10 năm thì có khoảng 3 lần xảy ra.
Nguy cơ khô hạn và thiếu nước cục bộ tại Trung Bộ, Tây Nguyên
Theo ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung bộ Tây nguyên và Nam bộ, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong các tháng tiếp theo mùa khô năm 2021, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15 - 40%, có sông thấp hơn 50%. Nguy cơ xảy ra khô hạn và thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên.
Theo đó, từ nay đến cuối tháng 4, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long xu thế giảm so với tháng 2,3, riêng xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ tiếp tục duy trì ở mức cao trong các đợt từ 24 - 30/4, trên sông Cái Lớn tăng cao từ 15 - 24/4, 29 - 30/4 ở mức tương đương tháng 3 vừa qua. 
Trong mùa lũ năm 2021, đỉnh lũ năm trên các sông chính khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ1 - BĐ2 và trên BĐ2; các sông khu vực Yên Bái, Ninh Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2 - BĐ3, có sông trên BĐ3. Thời kỳ xuất hiện các đợt lũ vừa và lũ lớn có khả năng tập trung nhiều vào nửa cuối mùa lũ.
Cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi ở Tây Bắc, Việt Bắc, từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên, tình trạng ngập lụt cục bộ tại các thành phố và các khu đô thị. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức BĐ1 - BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,1 - 0,3m.