Dự báo những doanh nghiệp niêm yết tăng lợi nhuận và xu hướng thị trường chứng khoán

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đợt tăng mạnh vào tháng 5/2020, chỉ số VN-Index đã giảm 4,55% trong tháng 6, đóng cửa ở mức 825,11 điểm. Nửa đầu tháng 7 chỉ số này điều chỉnh tăng - giảm đan xen không rõ xu hướng. Nửa đầu năm khá nhiều DN có lợi nhuận dương, nhưng dịch bệnh Covid-19 cũng khiến không ít đơn vị vốn hoá lớn giảm.

Tổng quan thị trường chứng khoán
Phiên cuối tháng 6/2020, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 825,11 điểm, giảm 4,55% so với tháng 5. Lũy kế từ đầu năm, VN-Index đã giảm 14,14%. Với mức tăng đến 30% của thị trường chứng khoán chỉ sau 2 tháng (4 - 5/2020), các nhà đầu tư (NĐT) ngắn hạn đã có động thái chốt lời mạnh trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7, bất chấp cả những mã có kết quả kinh doanh quý 2 khả quan.
Tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam trong quý 2 đạt mức dương 0,36%, trái ngược với dự báo tăng trưởng âm trước đó, thị trường xem đây chỉ là một tín hiệu ban đầu lạc quan, sau tác động nghiêm trọng từ dịch Covid-19 đối với toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, vẫn còn lo ngại về đợt bùng phát thứ hai của dịch Covid-19 tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ...
Giá trị giao dịch chứng khoán trong tháng 6/2020 tăng mạnh kể từ hơn 2 năm qua. 
Dịch bệnh Covid-19 đã kéo mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay từ tháng 4 sáng đến tháng 6. Ghi nhận các cuộc họp ĐHCĐ cho thấy, bức tranh lợi nhuận của các công ty niêm yết không quá tiêu cực như thị trường đã lo ngại trước đó. Nhiều DN có lợi nhuận quý 2 dự báo tăng trưởng dương như ACB, CTG, DPM, FPT, HDB, HPG, HSG, PHR, POW, PVS, SSI, TCB, TCM, VCB, VIB, VNM, VPB…
Ngược lại cũng bởi dịch bệnh, có khá nhiều DN đã giảm lợi nhuận quý 2 như các công ty trong các lĩnh vực như hàng không, sân bay, dầu khí, bán lẻ. Cụ thể, một số cổ phiếu blue-chip nằm trong danh sách lợi nhuận giảm thậm chí là lỗ như: MSN, SAB, GAS, BID, MWG, PNJ.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên 3 sàn trong tháng 6/2020 đạt 264 triệu USD, thanh khoản đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2018 trở lại đây, tăng 17,9% so với tháng trước và tăng 107,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 596 triệu USD trong tháng, đáng lưu ý có giao dịch thỏa thuận trị giá 650 triệu USD tại VHM. Tuy nhiên, trong tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4 mã cổ phiếu bluechip là VIC, VRE, HPG, VJC.
Nhận định xu hướng thị trường
Nửa đầu năm 2020, các ngành có mức tăng trưởng vốn hóa vượt trội so với thị trường gồm: Vật liệu tăng 24,9%, dịch vụ viễn thông tăng 34,7%, và chăm sóc sức khỏe tăng 3,7%, Ngược lại, các ngành có mức vốn hóa sụt giảm: Tiện ích giảm 20,3%, tiêu dùng không thiết yếu giảm 19,7%, năng lượng giảm 17,8% và bất động sản giảm 14,6%.
Công ty Chứng khoán SSI nhận định thị trường kể từ đầu tháng 7/2020, xu hướng ngắn hạn và trung hạn của VN-Index đều là xu hướng tăng. Vì vậy, những nhịp điều chỉnh nhẹ trong tháng sẽ là cơ hội để NĐT gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của chỉ số sẽ không quá lớn, VN-Index trong tháng 7 có thể tiệm cận vùng đỉnh đầu tháng 6 - tại mức 900 điểm, cao hơn so với mức mở cửa vào đầu tháng.
Mức kháng cự 873.5 điểm là mốc quan trọng cần quan sát, một khi VN-Index vượt qua được mốc này một cách thuyết phục thì xu hướng tăng càng được củng cố. Lúc này, NĐT cũng có thể xem xét sử dụng đòn bẩy tài chính để mua thêm chứng khoán ở một tỷ lệ vừa phải để gia tăng tỷ suất lợi nhuận.
Giai đoạn đầu tháng, thị trường được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, dư địa tăng trường của VN-Index trong tháng 7 không còn nhiều nên thị trường nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự dịch chuyển dần sang nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Cổ phiếu POW được SSI đưa vào danh sách khuyến nghị dài hạn trên 1 năm. Bởi một số yếu tố hỗ trợ cho POW như giá khí mới thuận lợi hơn cho nhà máy điện khí Cà Mau áp dụng trong giai đoạn 2020-2026, khả năng giá hợp đồng PPA đối với NT2 giảm ít hơn, có thể trở thành yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận. SSI cũng loại cổ phiếu ACV khỏi danh sách khuyến nghị đến khi triển vọng về việc mở lại các chuyến bay quốc tế được rõ ràng hơn.