Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự báo thị trường chứng khoán: Phục hồi mạnh mẽ, thanh khoản tăng

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng điểm trở lại trong tháng 8 sau 2 tháng giảm, cùng với đó kinh tế vĩ mô tiếp tục có nhiều điểm sáng, đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của chỉ số trong tháng 9", đây là nhận định của Công ty CP Chứng khoán SSI.

Báo cáo tháng 8 nâng đỡ thị trường
Với 15 phiên tăng và xen kẽ 6 phiên điều chỉnh giảm nhẹ trong tháng 8/2020, chỉ số VN-Index đã tăng 83,26 điểm, tương đương tăng 10,43%, đóng cửa tháng 8 tại 881,65 điểm. Thị trường nhận được sự đồng thuận khi cả 3 chỉ số vốn hóa thành phần đều ghi nhận mức tăng vượt trội hơn so với thị trường chung như VN30-Index tăng 11,23%, VNMidcap tăng 12,55% và VNSmallcap tăng 14,12%. Như vậy, với mức tăng trong tháng 8, chỉ số VN-Index đã lấy lại được điểm số đã mất 2 tháng trước đó là 6 và 7; thu hẹp mức giảm của VN-Index tính từ đầu năm chỉ còn giảm 2,12%.
Sự đồng thuận của thị trường còn thể hiện ở mức tăng của tất cả các nhóm ngành. Năng lượng với tỷ lệ tăng 24%, trong đó hỗ trợ tích cực là mã PLX tăng 24%. Hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng 19,4%, trong đó MWG tăng 25,4%. Vật liệu xây dựng tăng 14,3%. Tài chính tăng 13,6%. Đây là 4 nhóm ngành có tăng trưởng mạnh nhất với 2 con số trong tháng, mức tăng trưởng thấp nhất 3,9% thuộc về nhóm bất động sản.
Tuy nhiên với tỷ trọng vốn hóa chi phối thì các cổ phiếu tác động tích cực nhất đến điểm số thị trường chung lại phần lớn thuộc nhóm vốn hóa lớn là: VCB, BID, CTG, VNM,GAS, SAB, PLX, TCB, MWG và VIC.
Nguyên nhân giúp TTCK tăng trưởng mạnh trong tháng 8 do sự tích cực giải ngân đầu tư công và Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đã thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, với báo cáo tăng trưởng kinh tế tháng 8 tích cực. Cùng với đó, Chính phủ và các tỉnh thành phố đã kiểm soát và ngăn chặn tốt làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 2, tạo điều kiện khôi phục dần các hoạt động kinh tế.
 Dự báo TTCK tháng 9 tiếp tục tăng. Ảnh minh họa.

Sự đồng thuận hồi phục của điểm số đưa thanh khoản thị trường trở lại mức cao. Tháng 8, giá trị giao dịch (GTGD) bình quân trên HOSE ghi nhận 5.230 tỷ đồng/ngày, tăng 11,9% so với mức bình quân của tháng 7 là 4.675 tỷ đồng/ngày, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó GTGD qua kênh khớp lệnh cải thiện đáng kể hơn với mức tăng 14,6% so với tháng 7 và 45,8% so với cùng kỳ.
Ở quy mô toàn thị trường, thanh khoản cũng cải thiện rõ rệt với tăng trưởng GTGD bình quân ngày tăng 20,6% so với tháng trước và 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn gia tăng bán ròng. Tổng giá trị bán ròng trong tháng 8 của khối ngoại là 3.089 tỷ đồng trên HOSE, tăng 547 tỷ đồng so với tháng 7 và chủ yếu qua kênh khớp lệnh. Xu hướng bán ròng liên tục cũng đưa tỷ trọng sở hữu của khối ngoại trên sàn này giảm xuống còn 19,22% so với mức 21% hồi đầu năm.
Khối ngoại bán ròng tập trung ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường như: CTG bán 689 tỷ đồng; HPG bán 440 tỷ đồng; VCB bán 385.4 tỷ đồng; VRE với 337 tỷ đồng; VNM cũng giảm 334 tỷ đồng; VIC giảm 260 tỷ đồng; NVL giảm 260 tỷ đồng. Chiều ngược lại, các cổ phiếu nằm trong danh sách được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong tháng 7 có: VHM mua 723,6 tỷ đồng; PLX với 244,3 tỷ đồng; FUEVFVND mua 204,4 tỷ đồng; PHR mua 144,3 tỷ đồng…
Diễn biến dòng tiền đầu tư và dự báo thị trường
Dòng vốn ETF duy trì xu hướng tích cực sang tháng thứ 4 liên tiếp. Mặc dù giảm so với tháng trước, tổng giá trị dòng vốn vào các ETF vẫn đạt 558 tỷ đồng trong tháng 8. Trong đó, dẫn dắt chính có quỹ của VFM là VNDiamond ETF tăng 195 tỷ đồng và VFM VN30 ETF tăng 175 tỷ đồng; Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF tăng 165 tỷ đồng. 2 quỹ ETF mới niêm yết là SSIAM VN30 ETF và Vinacapital VN100 ETF quy mô vẫn còn nhỏ, chưa có nhiều đóng góp về dòng vốn. Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã bổ sung nguồn vốn trị giá gần 1.400 tỷ đồng cho thị trường.
CTBC Investments (Đài Loan) đã ra mắt CTBC Vietnam Equity Fund, là quỹ đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam với tổng nguồn vốn huy động trong đợt đầu là 160 triệu USD tươg đương 4.000 tỷ đồng. Trong đó, một phần danh mục quỹ sẽ được phân bổ vào VFM VNDiamond ETF, do đó có thể kỳ vọng dòng vốn ETF sẽ duy trì tích cực trong thời gian tới.
Dòng vốn các quỹ chủ động và giao dịch khối ngoại trên sàn vẫn kém tích cực. Nếu loại trừ dòng tiền đột biến 1.709 tỷ đồng mua 22.8 triệu cổ phiếu VHM thì khối ngoại vẫn bán ròng 5.1 nghìn tỷ đồng trong tháng 8 và bán ròng 24.2 nghìn tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm (đã loại trừ các giao dịch lớn liên quan đến VHM và MSN).
Theo số liệu của EPFR, dòng vốn các quỹ đầu tư chủ động vào Việt nam 4 tháng gần đây dao động khá mạnh nhưng vẫn trong xu hướng rút ra.
Kỳ vọng của thị trường tỷ trọng tiền mặt điều chỉnh theo các hướng khác nhau giữa các quỹ chủ động: Trong khi quỹ đầu tư chủ động lớn nhất VEIL của Dragon Capital tiếp tục hạ thấp tỷ trọng tiền mặt xuống 0.63% vào cuối tháng 8, mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay; các quỹ VOF, PYN Elite và Vietnam Holdings đã bắt đầu gia tăng tỷ trọng tiền mặt từ cuối tháng 7.
Triển vọng hồi phục kinh tế đóng vai trò quyết định đối với diễn biến dòng vốn vào các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc sớm kiểm soát dịch bệnh và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả vẫn là 2 yếu tố chính giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hút được dòng vốn từ các quỹ đầu tư ngoại trong thời gian tới.
Thêm yếu tố hỗ trợ thị trường làviệc 1 quốc gia đang tích cực điều chế và đưa ra thị trường vaccine phòng chống dịch bệnh sớm nhất đã hỗ trợ tâm lý giới đầu tư toàn cầu. Theo báo cáo khảo sát tháng 8 của Bank of America Merrill Lynch, các nhà quản lý quỹ đang ở trạng thái lạc quan nhất kể từ tháng 2/2020 đến nay, 79% tin rằng vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19 sẽ có từ quý 1/2021 và 57% kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ cải thiện trong 12 tháng tới, điều này giúp TTCK tăng trưởng tốt vào những tháng cuối năm.