Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự báo xi măng tiếp tục tăng giá

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành xi măng không mấy khả quan do thiếu hụt nguồn cung than và đá vôi. Việc này cũng khiến các nhà sản xuất phải mua nguyên vật liệu ở mức giá cao làm giảm biên lợi nhuận.

Giá bán xi măng trong nước vẫn đang có sự chênh lệch lớn theo khu vực, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)
Giá bán xi măng trong nước vẫn đang có sự chênh lệch lớn theo khu vực, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Kết quả kinh doanh không khả quan

Ngành xây dựng nói chung và vật liệu xây dựng (VLXD) nói riêng đã và đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, và hiện nay là cuộc chiến Nga - Ukraine. Các yếu tố bất ổn mang tính địa chính trị toàn cầu, thiên tai,… vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, ảnh hưởng đến giá VLXD nói chung và xi măng nói riêng.

Nhìn chung, các DN trong ngành xi măng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng giá cùng với sự cạnh tranh trên thị trường đã khiến biên lợi nhuận của các DN trong ngành này suy giảm.

Điển hình là CTCP Xi măng Hà Tiên 1 – đơn vị dẫn đầu thị phần miền Nam cho biết, giá nguyên, nhiên liệu tăng vọt đã bào mòn hiệu quả kinh doanh của đơn vị, lợi nhuận giảm sút 74% so với cùng kỳ năm trước và là kết quả thấp nhất kể từ quý I/2018. Biên lãi gộp cũng thu hẹp từ 13,7% xuống 8%.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), giá bán xi măng trong nước vẫn đang có sự chênh lệch lớn theo khu vực, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện nay, giá xi măng vẫn đang có sự chênh lệch theo khu vực, giá xi măng tại miền Nam đang ở mức tương đối cao.

Đây cũng là khu vực thiếu cung khi chỉ có 8 nhà máy xi măng tại đây với công suất đạt gần 12 triệu tấn tại đây trong khi nhu cầu xi măng lại lớn hơn rất nhiều.

"Hiện nay, để thúc đẩy bán hàng, nhiều đơn vị cho ra chính sách chiết khấu thương mại, khuyến mại khoảng 20.000 - 40.000 đồng/tấn. Ngoài ra, do những khó khăn chung của ngành biểu hiện rõ nét thông qua kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị, nhiều mã chứng khoán của ngành xi măng đã bị sụt giảm đáng kể, có mã giảm sâu tới trên 50% kể từ tháng 3" - theo VNCA.

Chứng khoán VNDirect cho rằng, ngành xi măng Việt Nam đang ở trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” khi nhu cầu xi măng nội địa hiện nay chỉ đạt dưới 65 triệu tấn, mặt khác, quy mô công suất toàn ngành đã lên tới gần 107 triệu tấn. Việc dư cung xảy ra đặc biệt tại khu vực miền Bắc và ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu của xi măng Việt Nam.

Xuất khẩu gặp khó

VNCA nhận định, trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu xi măng, clinker ước đạt gần 16,2 triệu tấn, trị giá 740 triệu USD, giảm 22% về lượng, giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ.

Trung Quốc và Philippines vẫn là hai thị trường xuất khẩu chính của ximăng, clinker Việt Nam. Tuy nhiên, tại cả hai thị trường này, mức nhập khẩu sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam đều sụt giảm trong nửa đầu năm 2022.

Trên bình diện chung, giá xuất khẩu trung bình xi măng và clinker 6 tháng qua đạt 45,5 USD/tấn, ước tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, nhưng so với đà tăng của chi phí đầu vào, đặc biệt là than phục vụ sản xuất clinker đã tăng gần 500 USD/tấn vào thời điểm tháng 5/2022, so với mức giá 75 - 80 USD/tấn hồi cuối năm 2020, thì mức tăng giá xuất khẩu kể trên vẫn rất thấp.

Nhập khẩu xi măng Việt Nam vào thị trường khác đều sụt giảm. (Ảnh minh họa)
Nhập khẩu xi măng Việt Nam vào thị trường khác đều sụt giảm. (Ảnh minh họa)

Mirae Asset dự báo xuất khẩu dự báo gặp khó do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid, cùng với đó là thị trường bất động sản của nước này đang trong trạng thái suy giảm đã khiến sản lượng tiêu thụ xi măng tại Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian qua.

Mirae Asset nhận định việc xuất khẩu xi măng sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng nên các công ty xi măng như: Vissai Ninh Bình, Hoàng Mai, Xuân Trường, Thành Thắng… sẽ dồn lực vào thị trường trong nước và tạo ra áp lực lớn cho các công ty xi măng phụ thuộc chính vào thị trường nội địa như: Xi măng Hà Tiên, Fico hay Holcim...

Thực tế, chi phí nguyên liệu chiếm 30 - 35% giá thành sản xuất xi măng. Việc thiếu hụt nguồn cung than và đá vôi khiến các nhà sản xuất phải mua nguyên vật liệu ở mức giá cao từ các nhà nhập khẩu làm giảm biên lợi nhuận. Trong năm nay, các công ty xi măng có thể giảm 3 - 4% biên lợi nhuận gộp nhằm duy trì sản lượng.

 

Theo Báo cáo của CTCK Mirae Asset, các doanh nghiệp xi măng tiếp tục chịu áp lực từ thị trường xuất khẩu và suy giảm nhu cầu bất động sản.