Đủ cơ sở để đạt tăng trưởng

Nguyên Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dốc sức thúc đẩy tăng trưởng đạt 6,7% trong năm 2017 cũng đồng nghĩa với việc giảm tỷ trọng nợ nước ngoài, nợ Chính phủ trên GDP; giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP, bảo đảm an sinh xã hội...

 Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực

Tuy nhiên, làm thế nào để có được tăng trưởng cao lại là vấn đề cần bàn và Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực xung quanh nội dung này.

Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ tăng trưởng

Với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,73%, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng cả năm 2017 là 6,7% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%, ông nghĩ sao về khả năng này?

- Với khởi đầu của nửa năm 2017, xác suất để kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% rất khó khăn, song chúng ta vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi để phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã định. Theo tôi có 3 điểm: Thứ nhất, những ngành phục hồi tốt đóng góp cho tăng trưởng như là nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là dịch vụ. Thứ hai, các yếu tố bên ngoài cũng được dự báo tích cực hơn so với năm ngoái (có 2 yếu tố chính, một là thương mại và hai là đầu tư đều có mức tăng trưởng tốt hơn so với năm ngoái). Thứ ba là một số biện pháp chỉ đạo quyết liệt đặc biệt là từ Trung ương xuống địa phương trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Và một số vùng kinh tế như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đang tăng trưởng khả quan.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, thì khu vực nông nghiệp phải tăng trưởng trên 3,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng phải gần 9%; khu vực dịch vụ phải đạt 7,94%. Phân tích cụ thể về từng lĩnh vực, dư địa cuối năm nằm ở lĩnh vực nào, thưa ông?

- Điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý II/2017 là sự tăng trưởng ở các lĩnh vực như dịch vụ và nông nghiệp. Hiện nông nghiệp đang làm rất tốt việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp… nên có khả năng đảm bảo được kịch bản tăng trưởng 3,05%. Công nghiệp chế biến chế tạo cũng có rất nhiều khởi sắc. Trong lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng chiếm 97% tổng GDP trong năm 2016 và nếu như chỉ tăng thêm 1% sẽ tăng được từ 38.000 – 40.000 tỷ đồng. Rồi dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, doanh thu du lịch năm ngoái 400.000 tỷ đồng, năm nay dự kiến khoảng 500.000 tỷ đồng.

Với chính sách nới lỏng về visa và cấp visa điện tử cho du khách nước ngoài, năm nay tốc độ tăng trưởng khách du lịch nước ngoài dự kiến vào khoảng 30% với 13 - 15 triệu du khách, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng du lịch, mà các lĩnh vực liên quan khác như nhà hàng, khách sạn, vận tải, thương mại… cũng sẽ tăng trưởng theo.

Ngoài ra, một số ngành có khả năng tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm như sản xuất thuốc chữa bệnh, sản phẩm hóa dược và dược liệu; sản xuất xe có động cơ, thiết bị điện, sản phẩm từ cao su và plastic; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực

Mục tiêu đặt ra là tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 34 – 35% GDP, cao hơn rất nhiều so với kế hoạch là 31,5% GDP. Mở rộng tài khóa, tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, điều này có mâu thuẫn không khi áp lực nợ công, bội chi thâm hụt ngân sách đang ở ngưỡng đáng báo động? Theo ông việc giải bài toán “đầu tư - tăng trưởng - nợ công” như thế nào?

- Đầu tư công không chỉ trực tiếp tác động lên tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế trong trung hạn là đầu tư công. Để tăng trưởng vẫn cần đầu tư công. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng đầu tư công ở đây là nguồn vốn đã nằm trong kế hoạch, dự toán đầu năm rồi nhưng đang bị giải ngân chậm, 6 tháng mới gần 30% kế hoạch. Vốn đầu tư công chủ yếu là đi vay phát hành trái phiếu Chính phủ, nếu không giải ngân được thì tiền đọng vào đó mà vẫn phải trả lãi. Vấn đề lớn nhất của Việt Nam là chưa sử dụng nguồn lực huy động được một cách hiện quả, trong khi phân bổ không hợp lý. Chính phủ cần sớm có giải pháp quản lý, sử dụng, giám sát hiệu quả đầu tư công, thu hồi được vốn để trả nợ.
Du khách tham quan phố đi bộ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Ngoài ra, tăng tổng đầu tư xã hội cần hướng đến đầu tư của khu vực tư nhân. Đây là nguồn lực quan trọng giúp giảm áp lực nợ công. Cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn đầu tư, trong đó chú trọng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với nhiều dạng hợp đồng như BOT, BO, BT…

Thế còn mở rộng kênh tín dụng thì sao, thưa ông? Một số ý kiến cho rằng tăng trưởng tín dụng 6 tháng đã lên tới gần 8%, cao nhất trong 6 năm qua, nên nới thêm tín dụng lên trên 18% để tăng GDP?

- Tôi cho rằng, phải xem xét rất thận trọng vấn đề này vì mối quan hệ giữa tín dụng và tăng trưởng không phải là rõ ràng. Trong số 52 nước chúng tôi nghiên cứu (trong đó có Việt Nam), tốc độ tăng trưởng tín dụng 10% thì GDP tăng thêm 0,5% tức là không đáng kể. Bên cạnh đó, tăng cao nhưng vẫn phải đặt vào kênh có hiệu quả. Tôi cho rằng tín dụng tăng 18% là mức hợp lý. Như thế tín dụng trên GDP cũng khá cao, trên 120% rồi. Cứ hình dung tăng trưởng kinh tế 1 năm 6 - 7%, lạm phát 3 - 4% thì GDP danh nghĩa là 11%, nếu tín dụng tăng 18% thì 3 năm nữa sẽ là bao nhiêu? Tái cơ cấu, đổi mới để nâng chất lượng tăng trưởng sẽ là động lực chính chứ không phải mở rộng chính sách tiền tệ. Chưa kể nếu tăng trưởng tín dụng cao trên 18% mà vào những chỗ không hiệu quả, không vào sản xuất kinh doanh sẽ gây ra lạm phát, và độ trễ sẽ tác động trong năm tiếp theo.

Vực dậy năng lực DN tư nhân

Theo các chuyên gia, “điểm nghẽn” của nền kinh tế bao năm nay đó là thu hút vốn FDI nhưng không khai thác được những lợi thế của khối DN này. Số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng cao nhưng chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ, tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn, ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này?

- Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp để DN trong nước phục hồi, giảm thiểu tình trạng nền kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ (tốc độ khối DN FDI cao hơn nhiều so với DN trong nước). Cần chấn chỉnh, hoàn thiện việc thu hút vốn FDI theo đúng mục tiêu chiến lược, tập trung mạnh vào chuyển giao công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường. Cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong nước, để kết nối được với DN FDI. Làm sao để khu vực kinh tế tư nhân mạnh lên để tăng nội lực cho nền kinh tế đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Chính phủ đề ra trong thời gian tới.

Theo ông, giải pháp nào để đảm bảo cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững?

- Tôi nghĩ Chính phủ cần tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô, và lạm phát, đây cũng là cơ sở để Chính phủ cải thiện tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế một cách thực chất và chắc chắn. Nghĩa là phải đảm bảo các chính sách tài khóa, tiền tệ và tỷ giá có thể đảm bảo sự ổn định, điều chỉnh tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế và giữ tỷ giá linh hoạt trước những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, xử lý nhanh nợ xấu. Để có thể tăng trưởng cao hơn, việc cần thiết là tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực của nền kinh tế, tiếp tục cải cách trong khối DNNN và cổ phần hóa, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN dù họ thuộc thành phần kinh tế nào… Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung vào các chủ trương tích cực như kiến tạo để các chương trình khởi nghiệp phát triển, đạt mục tiêu có hơn 1 triệu DN vào năm 2020.

Các bộ, ngành, địa phương, thực hiện tốt Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ. Trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính chỉ là một vế.

Vế khác quan trọng hơn là phải xây dựng bộ máy hành chính theo tư tưởng Nhà nước kiến tạo phát triển, xây dựng một nền công vụ liêm chính như Chính phủ đã nêu.

Xin cảm ơn ông!