Dư địa chính sách tiền tệ và áp lực từ Fed

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát tăng đột biến khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định mạnh tay thu hẹp gói kích thích kinh tế ngay đầu năm 2022 cùng với các đợt tăng lãi suất. Điều này sẽ tác động như thế nào đến chính sách tiền tệ của Việt Nam?

Áp lực tăng trưởng

Trong dự báo mới nhất, các thành viên của Fed đều nghiêng theo hướng nâng lãi suất. Diễn biến mới nhất từ cuộc họp FOMC của Fed đã hé lộ tăng gấp đôi quá trình thắt chặt lại và lộ trình tăng lãi suất trong năm tới. Theo đó, Fed thông báo sẽ thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022 để đưa lãi suất từ mức 0 - 0,25% hiện nay lên quanh ngưỡng 0,75 - 1%, và sau đó sẽ thực hiện tiếp thêm 2 đợt tăng lãi suất trong năm 2023.

 Ảnh minh hoạ

Về lý thuyết, việc tăng lãi suất cơ bản của Fed tất yếu sẽ làm cho đồng USD tăng giá và đồng thời làm cho vàng, chứng khoán và các đồng tiền khác giảm giá. Khi lãi suất của USD tăng lên thì giá trị của USD tăng so với các đồng tiền khác. Nhà đầu tư mua USD nhiều hơn, cũng có nghĩa là dòng vốn vào thị trường vàng và chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng.

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, khi Fed tăng lãi suất sẽ gây ra một số tác động lên nền kinh tế vĩ mô. Trước hết, lãi suất đồng USD sẽ tăng lên trên toàn cầu. Thứ hai, việc này có thể tạo ra làn sóng các ngân hàng trung ương (NHTƯ) khác tăng lãi suất. Thứ ba, tỷ giá đồng USD sẽ mạnh lên, tất nhiên không nhiều, vì điều này đã được dự báo từ trước. Thứ tư, dòng vốn đầu tư có thể bị rút khỏi một số thị trường mới nổi, có thể chảy về Mỹ hoặc châu Âu khi lãi suất ở những nơi này được tăng lên. Về NHTƯ các nước, họ sẽ phải phân tích và đánh giá, tùy bối cảnh từng nước để có hành động phù hợp.

Ngân hàng HSBC cảnh báo, các NHTƯ cần thận trọng, vì từng đợt tăng lãi suất có thể khiến tăng trưởng chậm lại so với trước, khi Chủ tịch Fed bắt đầu tiến trình tăng lãi suất. Do đó, chắc chắn các NHTƯ khác cũng sẽ bắt đầu xu hướng tăng lãi suất, nhất là những nước ở thị trường mới nổi - những quốc gia có sự nhạy cảm trước áp lực lạm phát và sự bị động của đồng nội tệ.

Thực tế, ngay sau động thái của Fed, ngày 16/12, NHTƯ Anh (BoE) đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 đè nặng lên kinh tế toàn cầu vào năm ngoái. BoE nâng lãi suất cơ bản từ 0,1% lên 0,25% giữa lúc lạm phát ngày càng tăng.

Liên quan đến xu hướng lãi suất, chuyên gia phân tích Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, nhiều khả năng trong thời gian tới, dòng tiền rẻ trên thế giới sẽ bị hạn chế. Lạm phát đang tăng mạnh trên toàn cầu, giá cả leo tháng và một số quốc gia bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, ngay cả khi Fed tăng lãi suất, thì tác động đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam là không giống nhau. 

Đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, thuộc Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC, ông Frederic Neumann cho rằng, dù động thái này có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam có thể sẽ ít bị ảnh hưởng nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ và nền kinh tế với trọng tâm xuất khẩu. Bởi những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng là do có quá ít USD dự trữ và/hoặc có quá nhiều nợ bằng đô la Mỹ.

Một phần đáng kể nợ nước ngoài của Việt Nam về cơ bản là các khoản vay ưu đãi dành cho các tổ chức cho vay siêu quốc gia, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới, với các điều khoản ưu đãi. Như vậy, khoản nợ này không làm tăng tính dễ bị tổn thương của Việt Nam trước các điều kiện tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn. “Về dòng vốn đầu tư, nếu triển vọng kinh tế Việt Nam phục hồi tốt, môi trường đầu tư hấp dẫn thì các nhà đầu tư sẽ vẫn giữ dòng vốn đầu tư tại Việt Nam”, ông Frederic Neumann kỳ vọng.

Điều hành chính sách thận trọng

Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong xuyên suốt dịch Covid-19, với 3 công cụ chính. Đầu tiên là giảm lãi suất điều hành, tác động nhiều nhất tới thị trường là việc giảm trần lãi suất cho vay, huy động, lãi suất thị trường mở. Thứ hai là bơm tiền chủ yếu thông qua kênh mua ngoại tệ. Thứ ba là gia hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành 1,5 - 2 điểm phần trăm trong năm 2020, là một trong những nước giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam cũng liên tiếp bơm tiền thông qua kênh mua ngoại tệ. Song hành với những động thái nới lỏng, chính sách tiền tệ vẫn duy trì sự chặt chẽ nhất định, đó là bám sát room tăng trưởng tín dụng đã đặt ra nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn cho hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định vĩ mô, nhất là trong bối cảnh khả năng hoạt động của nhóm DN được cơ cấu lại nợ vẫn là dấu hỏi lớn, nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai là không nhỏ. Nhìn chung, xuyên suốt đại dịch và đến thời điểm này, nền tảng vĩ mô vẫn ổn định. Tỷ giá rất ổn định và lạm phát ở mức thấp, dự trữ ngoại hối cao là những tiền đề và dư địa lớn cho chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, tỷ giá có thể tăng nhẹ, nhưng không nhiều do kinh tế Việt Nam đang phục hồi với mức dự kiến tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2021 và sẽ phục hồi lên mức 6,5 - 7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; lãi suất ổn định do lạm phát được kiểm soát ở mức thấp với CPI dự kiến tăng khoảng 2% trong năm 2021, nhưng sẽ gia tăng lên mức 3,4 - 3,7% năm 2022; cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư. “Tuy nhiên, các DN Việt vay ngoại tệ cần lưu ý xu hướng lãi suất tăng này để có biện pháp quản lý rủi ro phù hợp” - TS  Cấn Văn Lực nói. 

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cũng cho rằng, lạm phát đang là vấn đề toàn cầu và NHTƯ các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ. NHNN sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ. Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, thời gian tới, NHNN tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.

Trước những tác động của việc đồng USD tăng giá, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm giải pháp: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; Quản lý, giám sát chặt chẽ dòng vốn nước ngoài.

Cơ chế giám sát hiệu quả nguồn vốn ra (vào) Việt Nam cần được sớm triển khai, đảm bảo khả năng cung ngoại tệ trong trường hợp có sự dịch chuyển vốn; Tạo thuận lợi thương mại, quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, chống gian lận thương mại. Đa dạng hóa thị trường hàng hóa xuất khẩu, cũng như thị trường nhập khẩu của Việt Nam để tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; Các cam kết hội nhập trong lĩnh vực tài chính mà Việt Nam đã đưa ra cần được thực hiện có trách nhiệm. Chủ động xây dựng chính sách hội nhập tài chính hiệu quả, nhất quán; tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện quá trình hội nhập, kịp thời điều chỉnh hợp lý, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của quá trình này.

“Điều quan trọng lúc này có lẽ là việc chúng ta cần kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế một cách hợp lý nhất để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh sớm nhất có thể. Khi đó, các chủ thể tham gia nền kinh tế có thể sẵn sàng chấp nhận một mức lãi suất cao hơn và NHNN cũng tùy nghi điều hành tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp nhất với diễn biến thị trường tài chính quốc tế và điều kiện vĩ mô trong nước”- các chuyên gia nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần