Du khách chấm điểm sẽ giảm “chặt chém”

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, ngành công nghiệp không khói Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6/10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, để giữ vững đà tăng trưởng, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty TransViet cho rằng, ngành du lịch cần sớm có bộ tiêu chí đánh giá điểm đến để đẩy lùi vấn nạn đeo bám, chặt chém, lừa đảo du khách và mất vệ sinh hiện nay.

Vấn nạn lâu năm

Năm 2018, Việt Nam ước đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa và tổng thu đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 20 năm làm việc trong ngành hàng không và du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, ngành kinh tế xanh không được ngủ quên trên chiến thắng. Bởi, môi trường du lịch, với tình trạng đeo bám, chặt chém, lừa đảo du khách và sự thiếu vệ sinh ở nhiều điểm đến đang khiến du khách quay lưng với du lịch Việt.
 Mời chào du khách quốc tế mua hàng lưu niệm trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Ông Đạt dẫn chứng, tại thị trấn Sa Pa - điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất khu vực miền núi phía Bắc, chỉ cần bước ra đường, du khách sẽ bị những người bán hàng rong và trẻ con đeo bám. Trong khi đó, tại những TP ven biển vẫn tồn tại những quán ăn tính tiền cao hơn giá niêm yết. Ngay cả Thủ đô Hà Nội, du khách cũng có thể bị người đánh giày lừa tới hàng trăm nghìn đồng để “chuộc giày”. Thậm chí, khách nước ngoài có thể bị những tài xế lạ mặt lừa ngay khi bước xuống sân bay...
Theo ông Đạt, du khách nước ngoài là một nhóm yếu thế vì không thuộc đường, không biết tiếng bản địa nên dễ dàng trở thành nạn nhân của những kẻ lưu manh. Bởi vậy, dù Việt Nam luôn tự hào có lịch sử văn hóa lâu đời và tài nguyên du lịch phong phú nhưng rất nhiều du khách nước ngoài có ấn tượng xấu khi rời Việt Nam. Tỷ lệ khách quay lại Việt Nam cũng rất thấp.
Cần bộ tiêu chí đánh giá điểm đến
Ở góc độ đơn vị tổ chức tour, ông Đạt cho rằng, đây là vấn đề của các cơ quan quản lý điểm đến. Thỉnh thoảng, khi có một vụ nghiêm trọng được báo chí và mạng xã hội phản ánh rầm rộ, Tổng cục Du lịch lại đứng ra chỉ đạo và xin lỗi. Nhưng đó chỉ là cách giải quyết sự vụ. Thực tế thì khi taxi lừa khách, lời xin lỗi phải là của Sở Giao thông; khi hàng rong chèo kéo và móc túi, đó lại là vấn đề của công an địa phương, chứ không phải trách nhiệm của ngành du lịch.
Theo ông Đạt, việc phát triển du lịch và quản lý điểm đến phụ thuộc rất nhiều vào các địa phương. Minh chứng như Sầm Sơn từng có thời gian dài bị khách tẩy chay vì bãi biển bẩn thỉu, hàng quán lộn xộn, du khách thường xuyên bị lừa đảo. Nhưng khoảng 3 năm gần đây, chính quyền đã cùng với các nhà đầu tư xây dựng lại bãi biển văn minh, sạch đẹp, không còn hiện tượng bán hàng lộn xộn, du khách bị lừa đảo, du lịch Sầm Sơn đã lấy lại lòng tin, thu hút rất đông khách du lịch.
“Vậy tại sao những điểm đến khác không làm được như Sầm Sơn?” - Phó Giám đốc Công ty TransViet đặt câu hỏi. Theo ông, đó là bởi chưa có áp lực chính trị để các nhà quản lý địa phương phải hành động quyết liệt. Với du lịch, khi mà tăng trưởng vẫn đang ở mức hai chữ số, không dễ nhìn thấy vấn đề "du khách không quay trở lại". Bởi, vấn đề này sẽ chỉ thể hiện hậu quả sau 5 hay 10 năm nữa, tức là nhiệm kỳ sau. Còn ngay lúc này, thì những ý kiến phản hồi rất ít bởi du khách nước ngoài không biết tiếng Việt, họ cũng ngại các thủ tục trình báo, và hầu hết chấp nhận tâm trạng tồi tệ khi về nước.
Điều cần làm ngay, là nên có một bộ tiêu chí chấm điểm quản trị và phát triển du lịch cho các tỉnh, thành. Việc chấm điểm này sẽ được thực hiện bởi chính khách du lịch thông qua hạ tầng số, các công ty du lịch thông qua hiệp hội của họ và cả các chuyên gia du lịch. Với công nghệ ngày nay, có rất nhiều cách để chấm điểm như: Làm phiếu điều tra thông qua các công ty du lịch; hoặc wifi miễn phí ở sân bay đi kèm với việc điền phiếu chấm điểm;...
“Khi chấm điểm một cách trực diện, chúng ta sẽ không bị "lừa" bởi các con số thống kê về lượt khách và GDP, bộ tiêu chí này sẽ tạo ra áp lực chính trị trực tiếp lên các nhà quản lý điểm đến. Các tiêu chí có thể bao gồm: Quản lý an ninh, trật tự, an toàn dành cho khách du lịch; Quản lý môi trường vệ sinh điểm đến và nhà vệ sinh công cộng; Bảo vệ và tôn tạo tài nguyên du lịch; Phát triển cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, nước, bến bãi...; Chất lượng và sự hấp dẫn của sản phẩm và dịch vụ” - ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, việc công bố kết quả xếp hạng năng lực quản trị và phát triển du lịch cho các tỉnh sẽ được thực hiện hàng năm. Kết quả này có thể là căn cứ để Chính phủ khen thưởng hoặc khiển trách các tỉnh trong việc quản trị và phát triển du lịch của địa phương mình. Kết quả cũng sẽ định hướng du khách ủng hộ các tỉnh có điểm xếp hạng cao. “Khi "Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" (PCI) được thực hiện, đã tạo ra một cơ chế phản hồi rất hữu hiệu từ phía DN đến chính quyền địa phương. Tôi tin rằng, một chỉ số như thế với ngành du lịch sẽ phát huy hiệu quả không kém. Và đó là thứ nên được làm ngay” - ông Đạt nhấn mạnh.