Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du khách Việt Nam hào hứng du lịch sau đại dịch

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) được thống kê bởi Booking.com - Công ty du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới, Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tự tin du lịch, với 85% khách có dự định đi du lịch trong 12 tháng sắp tới.

Việt Nam được cộng đồng du lịch đánh giá cao là điểm đến lý tưởng.
Việt Nam được cộng đồng du lịch đánh giá cao là điểm đến lý tưởng.

Dẫn đầu danh sách là khách du lịch đến từ Ấn Độ (86%), theo sau Việt Nam là Trung Quốc (79%). Chỉ số được thu thập thông qua việc khảo sát 11.000 khách du lịch từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp châu Á và châu Đại Dương, trong khoảng tháng 4 - 5/2022.

Chỉ số này cho thấy nhiều khách du lịch Việt Nam vô cùng lạc quan đón nhận những thay đổi về du lịch hậu đại dịch, kể cả gián đoạn trên hành trình hay chi phí du lịch, để được tiếp tục khám phá thế giới. Số liệu cũng thể hiện mức độ tự tin tiếp nhận khách du lịch quốc tế của người Việt. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch Việt tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Phần đông du khách Việt dự định đặt 1 - 2 chuyến du lịch trong năm nay (62%). 45% người được khảo sát cho biết họ muốn đến các địa điểm nổi tiếng gần Việt Nam (từ 3 - 8 giờ bay), thay vì những chuyến đi ngắn (dưới 3 tiếng bay) hoặc dài giờ (hơn 8 tiếng bay).

Đáng chú ý, có đến 82% người được khảo sát chia sẻ rằng họ cảm thấy thoải mái với việc Việt Nam mở cửa biên giới trở lại, trong đó 75% tự tin về khả năng chào đón du khách quốc tế của ngành du lịch.

Nhu cầu về nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe tinh thần (55%) là động lực hàng đầu để du khách Việt lên đường trong bối cảnh du lịch đang hồi phục mạnh mẽ sau 2 năm đóng cửa vì đại dịch.

Một phát hiện thú vị của khảo sát, có đến 45% du khách Việt muốn đi du lịch là bởi họ đã lên kế hoạch từ trước đại dịch mà chưa có dịp thực hiện, và bây giờ là thời điểm hoàn hảo để lên đường. 32% người được khảo sát muốn du lịch đến một địa điểm cụ thể mà họ yêu thích; 32% khác đơn giản là muốn rời khỏi nhà, bất kể điểm đến là đâu.

Mối bận tâm hàng đầu của du khách Việt vẫn là chi phí, được chỉ ra từ 53% trên tổng số người được khảo sát. Cùng với đó, những khó khăn gây ra do đại dịch vẫn sẽ tạo ra những lo lắng nhất định cho nhiều du khách, cụ thể là “nỗi sợ bị cách ly” (36%) và khả năng nhiễm bệnh khi đi du lịch (32%).

Một trong những mối quan tâm lớn khác của khách du lịch Việt Nam, là những quy trình và thủ tục phức tạp khi lên kế hoạch cho một chuyến đi, đặc biệt trước tình hình khó lường của đại dịch (31%). Tuy vậy, 49% nói rằng họ chấp nhận sự gián đoạn và bất tiện này như một phần của chuyến hành trình, đồng nghĩa với việc họ đang đón nhận những thay đổi cần thiết để được du lịch trở lại. 

Đáng chú ý, có tới 39% người Việt Nam được khảo sát sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân của mình vì mục tiêu sức khỏe và an toàn cộng đồng; 29% đồng ý chia sẻ để có được trải nghiệm cá nhân hóa - một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng chiến lược đối phó với đại dịch của hầu hết quốc gia.

Cũng theo báo cáo của Booking.com, 81% khách du lịch toàn cầu khẳng định rằng du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng với họ, trong đó 50% cho rằng những tin tức gần nhất về biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến lựa chọn du lịch bền vững của họ.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam một lần nữa đứng thứ 2 về ý định du lịch bền vững của du khách, với 83% số người được khảo sát đồng ý về tầm quan trọng của việc đưa ra những quyết định du lịch bền vững hơn. Trong số đó, 73% sẵn sàng chi trả nhiều hơn vì sự bền vững; 70% đồng ý có ít sự lựa chọn du lịch hơn, miễn là chúng bền vững.

Trong những chuyến du lịch sắp tới, khách du lịch Việt Nam sẽ dành nhiều quan tâm hơn đến những tác động môi trường và xã hội của họ tại điểm đến. 71% sẽ tập trung thưởng thức ẩm thực địa phương, 65% muốn tham gia vào các tour du lịch được tổ chức bởi chính người dân địa phương, hoặc đơn giản là tự mang theo chai lọ, bình nước có thể tái sử dụng (52%) và tắt điều hòa trong phòng khách sạn khi không sử dụng (41%).