Dự kiến bỏ điểm sàn trong tuyển sinh ĐH năm 2017: Băn khoăn chất lượng đầu vào

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) nhóm ngành đào tạo giáo viên (GV) năm 2017 của Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn, thí sinh được đăng ký “n” nguyện vọng (NV) vào nhiều trường khiến dư luận băn khoăn chất lượng đầu vào giảm sút.

Bỏ điểm sàn để các trường tự chủ
Từ mùa tuyển sinh năm 2016 trở về trước, Bộ GD&ĐT luôn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu để các trường làm căn cứ xác định điểm nhận hồ sơ. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc của DN. Thậm chí, hiện nay, hơn 202.000 người lao động có trình độ ĐH trở lên không tìm được việc làm. Vậy mà Bộ GD&ĐT lại bỏ quy định điểm sàn tuyển sinh năm 2017, các trường tự tuyển theo tiêu chí và chỉ tiêu của mình. Liệu chất lượng đầu vào của những trường top giữa và dưới có đảm bảo ngưỡng tối thiểu hay chỉ tiêu được lấp đầy bằng mọi giá?

Giờ học trên giảng đường của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.          Ảnh:  Trần Dũng

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thí sinh được đăng ký nhiều NV vào nhiều trường nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Nếu thí sinh không trúng NV1 thì xuống NV2, khi trượt NV2 thì chuyển qua NV3… Còn như năm 2016, thí sinh không trúng NV1 phải chấp nhận trúng NV thứ “n” nào đó chứ không phải là 2 bởi các trường đã tuyển đủ. Theo quan điểm của ông Khuyến, nếu Bộ GD&ĐT cứ quy định điểm sàn là điều vô lý bởi xu hướng hiện nay những người tốt nghiệp THPT hoặc tương đương có quyền đăng ký vào bậc cao hơn. Còn việc họ có được học hay không là tùy các nhà trường chấp nhận nếu thỏa mãn các điều kiện khác. Chỉ có điều đáng lo là nếu Bộ thả nổi chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường tự quyết định sẽ dẫn đến hạ chuẩn.
Khi xu hướng tự chủ ĐH đang nâng cao thì không nên cưỡng chế mức đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường. Nhà trường phải tự chịu trách nhiệm và củng cố uy tín của mình thông qua việc đưa ra các điều kiện xét tuyển sinh. Bởi vậy, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng yêu cầu các trường thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển thì vẫn được. Một vấn đề nữa, kể cả một trường để ngưỡng nhận hồ sơ 10 điểm, chưa chắc thí sinh đã đăng ký, bởi họ đánh giá chất lượng trường ấy thấp.
Bộ cung cấp công cụ và hỗ trợ thông tin
Trước những băn khoăn trên của dư luận xã hội về việc các trường tự đề ra chỉ tiêu, ngưỡng xét tuyển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thông tin: Nguyên tắc của Quy chế tuyển sinh năm 2017 là đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh của các trường theo Luật Giáo dục ĐH. Quyền ấy được quyết định bởi 2 yếu tố: Ai là người quyết định điểm trúng tuyển vào trường và ai là người quyết định danh sách trúng tuyển của trường đó. 2 yếu tố này sẽ do các trường tự quyết định, Bộ GD&ĐT chỉ cung cấp công cụ và thông tin cần thiết để họ thực hiện tốt công tác tuyển sinh. Cũng như diễn ra trật tự, an toàn, công bằng đối với thí sinh và các trường.
Về việc không giới hạn số nguyên vọng đăng ký xét tuyển vào nhiều trường, ông Ga cho rằng, đây là vấn đề mà Bộ GD&ĐT quan tâm nhiều nhất, làm sao để các trường xác định được danh sách trúng tuyển mà chắc chắn những em đó sẽ vào học. “Năm nay, Bộ lập cổng thông tin tuyển sinh cung cấp toàn bộ cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký vào một trường nào đó và tất cả các cơ sở khác có thể tải về nghiên cứu, phân tích. Sau khi các trường phán đoán điểm trúng tuyển dự kiến thì lập danh sách chuyển lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để hệ thống tự động lọc bỏ những thí sinh có nguyện vọng thấp hơn. Cách làm này đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một trường duy nhất”.
Giải thích về việc Bộ GD&ĐT bỏ quy định điểm sàn, theo ông Ga, ngưỡng đảm bảo đầu vào là điều kiện cần đối với thí sinh. Về phía các trường đưa ra nhiều điều kiện khác thí sinh phải đáp ứng mới được nộp hồ sơ. 2 năm qua, Bộ thí điểm cho phép các trường xét tuyển theo kết quả học tập THPT nhưng nguồn tuyển không lớn. Lý do bởi các em có nhận thức khác về việc chọn ngành, chọn trường uy tín để học. Hơn nữa, khi Bộ không quy định điểm sàn nhưng các trường phải công bố công khai đề án tuyển sinh để xã hội và phụ huynh, học sinh quan sát, bình luận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần