Dự kiến ngày 31/12, cầu Thăng Long được sửa chữa xong

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cầu Thăng Long bình thường thì có 4 làn xe, bây giờ khi tiến hành thi công sửa chữa thì chỉ còn hai làn xe. Chắc chắn, không ít thì nhiều, việc sửa chữa cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến giao thông.

KTĐT - Cầu Thăng Long bình thường thì có 4 làn xe, bây giờ khi tiến hành thi công sửa chữa thì chỉ còn hai làn xe. Chắc chắn, không ít thì nhiều, việc sửa chữa cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến giao thông.

"Cầu Thăng Long hiện đang tiến hành sửa chữa. Về phía các cơ quan nhà nước, nhà thầu thi công thì phải cố gắng tối đa, nhưng từ phía người tham gia giao thông thì cũng cần có sự chia sẻ khó khăn", Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã trao đổi với phóng viên bên hành lang kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII ngày 27/11.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc phải bắc cầu phao qua sông Hồng?

Ông Hồ Nghĩa Dũng: Cầu Thăng Long bình thường thì có 4 làn xe, bây giờ khi tiến hành thi công sửa chữa thì chỉ còn hai làn xe. Chắc chắn, không ít thì nhiều, việc sửa chữa cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến giao thông. Đó là chuyện tất nhiên. Nó cũng như gia đình mình thôi, khi mình sửa nhà hay làm lại nhà thì cũng có sự vướng víu và cũng có những sự bất tiện nhất định. Việc sửa chữa cầu Thăng Long cũng có những cái khó khăn của nó.

Về phía các cơ quan nhà nước, nhà thầu thi công thì phải cố gắng tối đa. Bên cạnh đó, người tham gia giao thông cũng cần có sự chia sẻ với khó khăn này.

Khi thực hiện sửa chữa cầu Thăng Long, Bộ đã tính đến phương án đưa xe máy lưu thông xuống phía dưới. Chủ trương này Bộ sẽ nghiên cứu cụ thể để có thể đưa vào thực hiện lâu dài.

Vì thời gian sửa cầu cũng còn phải hơn tháng nữa nên rất có thể xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Nếu tình hình vẫn chưa giải quyết tốt thì sẽ tính đến phương án đưa một phần xe hơi đi xuống tầng dưới cầu.

Phương án làm cầu phao đã được tính từ giai đoạn đầu. Việc bắc cầu phao, theo tôi có hai ưu việt. Một là, khi lượng xe tham gia lưu thông trên cầu phao sẽ gánh đỡ cho việc trước đây các phương tiện cứ dồn sang cầu Chương Dương, Cầu Đuống. Thứ hai là có thể rút ngắn quãng đường và thời gian lưu thông, có lợi hơn cho người tham gia giao thông.

Cầu phao thì cũng mới đưa vào sử dụng được vài ba ngày nay, vẫn còn phải theo dõi tiếp. Lúc đầu thì cũng phát sinh một vài trục trặc nhỏ không tránh khỏi, nhưng theo tôi, nó đã góp phần tích cực trong việc giảm tải cho cầu Thăng Long.

Tôi không khẳng định là sẽ khắc phục hết tình trạng ùn tắc. Vì trước đây, trên cầu Thăng Long, nếu có xảy ra va chạm thì với 4 làn xe, chúng ta sẽ dễ xử lý hơn. Bây giờ chỉ còn hai làn xe, nếu có va chạm giao thông thì khó xử lý hơn. Có trường hợp, chỉ mấy cái ôtô húc vào đuôi nhau thì đã ách tắc giao thông rồi. Do vậy, chúng ta cũng cần phải có biện pháp điều hành giao thông và xử lý sao cho linh hoạt của các lực lượng chức năng mà nhất là thanh tra giao thông ở khu vực này.

Cầu Thăng Long đã đưa vào sử dụng từ rất lâu, khi tiến hành sửa chữa thì việc lựa chọn nhà thầu, kinh phí thực hiện có khó khăn nào không? Bao giờ thì việc sửa cầu hoàn thành, thưa Bộ trưởng?

Ông Hồ Nghĩa Dũng: Cầu Thăng Long có quy mô lớn nhất và quy chuẩn kỹ thuật cao nhất vào thời điểm đấy (năm 1985). Hiện tại, công nghệ để làm cầu như thế thì không còn được dùng nữa. Cho nên, khá phức tạp khi áp dụng việc sửa chữa theo công nghệ cũ, có tính đến việc áp dụng một số công nghệ mới.

Hai bên đường dẫn của cầu là kết cấu bêtông đã sửa chữa xong. Riêng phần nhịp chính thì không phải là kết cấu bêtông mà là kết cấu dầm mặt thép, dầm thép. Thời gian sử dụng thì đã quá lâu rồi.

Khi thực hiện việc sửa chữa cầu thì nó còn liên quan đến việc xử lý những hợp chất. Bêtông nhựa đường cũ thì mình sẽ thay đổi bằng hợp chất mới. Cái này là phải nhập ở nước ngoài. Nhập từ nước ngoài thì phải có thời gian bảo trì, bảo dưỡng vì công nghệ của nó là khá phức tạp. Nhưng đến nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được. Dự kiến, ngày 31/12/2009 sẽ sửa chữa xong cầu Thăng Long.

Thời gian cuối năm đã cận kề, lượng phương tiện tham gia giao thông có thể gia tăng, nhưng hiện tại cầu Thăng Long lại đang sửa chữa. Vậy, Bộ Giao thông Vận tải có phương án nào để chống quá tải và ùn tắc?

Ông Hồ Nghĩa Dũng: Cầu Thanh Trì thì giao thông bình thường, còn đường dẫn thì cần phải có một khoảng thời gian nữa. Nhưng hai đường gom của nó thì đã lưu thông bình thường rồi. Dự kiến phải đến khoảng tháng 3/2010, cầu Thanh Trì sẽ thông toàn bộ cả đường gom và đường chính qua cầu.

Lý do chậm là hệ thống đường dẫn được khởi công cùng lúc với xây cầu, nhưng việc giải phóng mặt bằng thì chậm hơn xây cầu khoảng 2 năm.

Sau khi giải phóng mặt bằng xong thì lại xuất hiện một loạt những khó khăn mới. Ví dụ như xử lý kỹ thuật về việc chống lún qua các đầm lầy, rồi khó khăn của các nhà thầu về giá cả, về thiết bị, nguyên vật liệu. Bây giờ thì mọi việc vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Theo chương trình thì khoảng tháng 3 năm sau sẽ phải thông tuyến.

Cầu Long Biên hiện giờ đang có chủ trương là sẽ không cho tàu hỏa chạy qua nữa. Người dân đang muốn là dù không để tàu hỏa chạy qua thì xin được giữ lại đường ray. Bởi lẽ cây cầu và đường ray trăm năm tuổi này đã in sâu vào ký ức của người dân Hà Nội. Vậy, ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao?

Ông Hồ Nghĩa Dũng: Về vấn đề này thì phải đảm bảo được hai yêu cầu. Một là phải phục vụ cho giao thông vì bản thân nó là cây cầu mà. Cái thứ hai là yếu tố lịch sử, văn hóa, phải kết hợp hài hòa hai yếu tố đấy. Nếu chỉ nghiêng về một yếu tố nào đó thì cũng khó. Nhưng nếu kết hợp nguyên vẹn cả hai yếu tố thì cũng không hề đơn giản.

Hiện tại đang có phương án là sẽ tiến hành cải tạo để xe trọng tải nhỏ chạy ở đường giữa cầu. Đường con ở hai bên thành cầu dùng để phục vụ cho việc lưu thông của xe máy, xe thô sơ. Rồi hướng tới là sẽ phải khôi phục cầu Long Biên theo đúng kết cấu như cũ. Đấy là bảo tồn văn hóa và lịch sử nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố giao thông của cầu.

Theo quy hoạch thì sẽ có cầu đường sắt mới, đường sắt trên cao theo tuyến Ngọc Hồi-Yên Viên, cách cầu cũ khoảng 200m, phục vụ cho giao thông của ngành đường sắt. Nếu để duy trì cả đường sắt trên cầu Long Biên và hệ thống đường sắt trên cao Ngọc Hồi -Yên Viên cùng hoạt động thì sẽ không hợp lý.

Yếu tố văn hóa và lịch sử của cầu Long Biên, tôi nghĩ là giữ được. Cần thiết thì vẫn cứ để đường ray trên cầu cũng được.

Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng./.