Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Du lịch an toàn" thời Covid-19

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rằm tháng 7, nhà bao việc nhưng mẹ tôi cứ một mực đòi về quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa). Thằng em trai tôi ban đầu nói cứng: Đang dịch như vậy, sao mẹ lại còn dám đi lại từ tỉnh này qua tỉnh khác?

Du khách quốc tế tản bộ bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội trước khi thực hiện cách ly toàn xã hội. Ảnh: Phạm Hùng

Nào ngờ, mẹ tôi đáp lại nhẹ nhàng, dẫn chứng đâu ra đấy:

- Đây nhé, ông Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili vừa kêu gọi chính phủ các nước hợp tác để khởi động lại du lịch an toàn trước tác động quá nặng nề của đại dịch đến ngành du lịch. Covid-19 đang khiến từ 100 - 120 triệu việc làm du lịch trực tiếp bị ảnh hưởng.

Phần là muốn về thăm quê, phần là ở trong nhà quá lâu, chồn chân nên nói thế nào, mẹ tôi cũng quyết lên đường. Là nhà giáo về hưu, có thời gian đọc sách báo và nghiên cứu tài liệu, mẹ tôi nói rất rõ quan điểm:

- Thời Covid-19, rõ ràng nhiệm vụ của chính phủ các quốc gia là phải đặt sức khỏe của công dân lên hàng đầu nhưng bên cạnh đó cũng như cần có trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp và sinh kế của người lao động.

Đến lúc này, tôi mới chợt nhìn lại, ở nhiều nơi đã quá tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong một thời gian quá dài, trong khi doanh nghiệp du lịch và hàng triệu lao động du lịch không được chú trọng.

Quá trình chờ đợi vaccine phòng dịch có thể kéo dài, mới đây UNWTO đã khởi động lại “du lịch an toàn” trên khắp thế giới. Kêu gọi các nước cần thực hiện các biện pháp kiểm tra, phòng dịch nghiêm ngặt tại các cảng và sân bay quốc tế, đẩy nhanh việc sử dụng các ứng dụng theo dõi sức khỏe du lịch...

Ở Việt Nam, sau những gì đã xẩy ra tại thành phố biển Đà Nẵng ngành du lịch trong nước vẫn đang trong giai đoạn ngưng trệ sâu, khách sạn vắng như chùa bà Đanh. Nhiều doanh nghiệp tuy rất kỳ vọng vào việc sau khi Việt Nam mở cửa đường bay thì thị trường du lịch quốc tế để phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng mọi người vẫn cho rằng khó mà có tín hiệu tốt trong ngắn hạn. Du lịch mà không phục hồi thì kéo theo hàng không, đường sắt cũng khó lòng mà có những thay đổi được.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam chia sẻ: “Người ở một hãng hàng không đề nghị tôi nêu ra Hội đồng Tư vấn du lịch về khả năng lấy đảo Phú Quốc biệt lập để thí điểm khai thác du lịch quốc tế. Tôi nêu đề xuất ra hội đồng. Khá bất ngờ, đại diện một doanh nghiệp du lịch có resort ở Phú Quốc bác bỏ ngay đề xuất đó, với 2 lý do: một là dân Phú Quốc sẽ không ủng hộ, họ sợ dịch; hai là du khách nội địa sẽ không đến Phú Quốc nữa, họ cũng sợ dịch”.

Đến giờ không có lệnh lockdown nào cả (ngoại trừ 4 địa phương), mà các sân bay, ga tàu, bến xe vẫn vắng tanh. Người dân Việt đang tự lockdown, những người như mẹ tôi không nhiều. Các chuyên gia du lịch cho rằng, nếu không có chiến lược "Du lịch an toàn" thời Covid-19 một cách bài bản thì sớm nhất phải đến giữa năm sau thì du lịch quốc tế mới có thể rục rịch đón khách trở lại. Nhìn cái cảnh khách vắng, bãi bỏ tàu, ông giám đốc Đoàn tiếp viên đường sắt còn phải đi buôn bán từng chiếc xe máy lẻ để sống thì không hiểu hàng trăm người lao động sẽ kiếm đâu tiền để mưu sinh?