Chất lượng dịch vụ chưa cao
Ba Vì là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cho rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Đây cũng là nơi tập trung khá nhiều địa điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh của Thủ đô như Khoang Xanh, Thiên Sơn – Suối Ngà, Đầm Long, Ao Vua, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh… Từ nhiều năm nay, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Ba Vì. Năm 2016, lượng khách du lịch đến huyện Ba Vì đạt 2,6 triệu lượt, mang về doanh thu đạt 260 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2015. Du lịch đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần cải thiện đời sống cho Nhân dân trong vùng, nhất là tại 7 xã khu vực miền núi của huyện Ba Vì.
Hiện Ba Vì có 18 đơn vị kinh doanh du lịch với các sản phẩm chủ yếu như du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, nông nghiệp, hội thảo… Trong đó sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp có hoạt động hiệu quả nhất, thu hút đông đảo người dân tham gia. Mặc dù có tài nguyên đa dạng và phong phú tuy nhiên, du lịch Ba Vì chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Theo ông Đỗ Mạnh Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, công tác quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn chậm, đặc biệt đường giao thông kết nối với các điểm du lịch còn rất hẹp. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá chưa nhiều, hiệu quả chưa cao nên chưa thu hút được nhiều du khách quốc tế, khách du lịch có thu nhập cao.
Ngoài ra, dù có một số nông sản đặc sản như chè an toàn, khoai lang Đồng Thái, miến dong Minh Hồng, thuốc Nam, song đến nay, huyện Ba Vì vẫn chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo. Chất lượng dịch vụ cũng còn hạn chế nên chưa tạo được sự hấp dẫn của từng điểm du lịch đối với du khách.
Đầu tư mạnh cho hạ tầng
Năm 2017, huyện Ba Vì phấn đấu đón 2,6 - 2,7 triệu lượt khách du lịch với doanh thu đạt từ 270 – 280 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, huyện sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao để thu hút du khách có khả năng chi tiêu lớn. Coi trọng phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại kèm theo phát triển hạ tầng, xây dựng môi trường gây ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Xác định hạ tầng là đòn bẩy quan trọng để phát triển du lịch, huyện Ba Vì đã tích cực thu hút DN đầu tư, nhất là vào cụm di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, di tích K9… Đến nay, nhiều hạng mục của các di tích này đã được đầu tư khang trang bằng nguồn vốn xã hội hóa, có cảnh quan đẹp, phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách. Ông Bạch Công Tiến cho biết thêm, năm 2017 và những năm tiếp theo, huyện tập trung phát triển nhanh cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật như hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc (wifi, 3G, 4G), xây dựng nhà máy nước sạch… đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trên địa bàn. Trước mắt, nâng cấp, cải tạo 5 tuyến đường nhằm hoàn thiện hạ tầng cơ sở khu du lịch Suối Hai – Ba Vì.
Cùng với đó, huyện sẽ đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quy hoạch đô thị Tản Viên Sơn Thánh nhằm tạo diện mạo mới cho các khu vực miền núi và kêu gọi đầu tư phát triển các dự án lớn về du lịch ở khu vực sườn Tây Ba Vì, khu du lịch hồ Suối Hai, khu nước nóng Thuần Mỹ. Đặc biệt, tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện, tạo các tour du lịch khép kín, các sản phẩm du lịch hấp dẫn mang tính thương hiệu của Ba Vì.
Huyện Ba Vì phấn đấu đến năm 2020 đón được 3,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 500 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 5.000 lao động. |