Tiềm năng lớn
Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển mạnh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, bởi sở hữu bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, thể thao mặt nước, chữa bệnh. Ngành địa chất đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng, vừa có tác dụng chữa bệnh vừa có thể sản xuất nước uống đóng chai.
Thực tế cho thấy, đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe từ năm 2020 đến nay doanh nghiệp đã đầu tư nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng. Điển hình là khu du lịch Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh) của Tập đoàn Sun Group đầu tư, khai trương tháng 5/2020. Không hề kém cạnh tháng 6/2019 tại khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang) Tập đoàn Vinpearl đã khởi công dự án vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng Vinpearl Mỹ Lâm quy mô 500ha. Cũng trong thời gian này nhiều dự án đã khởi công và đi vào hoạt động như: Wyndham Thanh Thủy (Phú Thọ), Mỹ Lâm (Tuyên Quang), núi Thần Tài (Đà Nẵng), Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Bên cạnh đó, không ít địa phương xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình chăm sóc sức khỏe, như khu du lịch Trạm Tấu (Yên Bái), khu du lịch bản Lướt (Sơn La)...
TP Hà Nội với nhiều tiềm năng nước khoáng cũng chú trọng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, Ba Vì với lợi thế nguồn suối khoáng tự nhiên đã thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng một số điểm du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe như Tản Đà resort, Khoang Xanh - Suối Tiên, Medi Thiên Sơn (Thiên Sơn - Suối Ngà), Paragon resort…
“Năm 2020 mặc dù dịch Covid-19 gây khó khăn cho ngành du lịch nhưng khu Medi Thiên Sơn đã ra mắt thương hiệu “Du lịch chữa lành Medi”, với sản phẩm chủ đạo là nghỉ dưỡng kết hợp bấm huyệt chữa bệnh, tập thể thao…” - ông Đỗ Mạnh Hưng nêu ví dụ.
Phát triển chưa xứng tầm
Mặc dù địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, song theo các chuyên gia hình thức du lịch này chưa thu hút được những dự án quy mô lớn, trở thành sản phẩm nổi trội hơn so với các nước trong khu vực.
Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang được ngành du lịch Hà Nội chú trọng xây dựng, khai thác. Dự kiến trong thời gian tới TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh đầu tư cho loại hình du lịch này ở một số địa phương có tiềm năng, từ đó làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Thủ đô. Đơn vị đã chỉ đạo các doanh nghiệp đang tổ chức hoạt động du lịch chăm sóc sức khỏe tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng đón và phục vụ du khách trong tình hình mới.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang
Nói về việc phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe chưa xứng với tiềm năng vốn có, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nêu rõ, hiện sản phẩm và tour chăm sóc sức khỏe Việt Nam chưa đa dạng, Bộ Y tế chưa chuẩn hóa quy trình chăm sóc sức khỏe. Điều này khiến phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe như tắm nước khoáng, tắm bùn, thiền, yoga... chủ yếu quy mô nhỏ; Cơ sở vật chất, dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản cho du khách.
“Chúng ta chưa có nhiều cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ tầm cỡ quy mô, chất lượng để đón khách du lịch, nhất là những du khách chi trả cao” - bà Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định.
Tại hội nghị trực tuyến "Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam" do Tổng cục Du lịch vừa tổ chức, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh kiến nghị, Tổng cục Du lịch cần định hướng cụ thể cho các tỉnh thành trong quá trình phát triển loại hình du lịch này, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, dẫn đến thiếu kiểm soát về chất lượng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng chia sẻ, ngành du lịch cần xây dựng những sản phẩm đa dạng, đặc thù và phù hợp với nhu cầu du lịch của người Việt Nam. Cùng với đó, các doanh nghiệp nên chú trọng đa dạng, nâng cấp chất lượng loại hình dịch vụ này, mở rộng đối tượng khách du lịch quốc tế khi được phép đón khách trở lại.
Bàn về giải pháp để có thể khai thác tối đa tiềm năng của du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, Tổng cục Du lịch cần phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bộ tiêu chí chuẩn hóa quy trình khám, chữa bệnh tại resort, khách sạn, tránh trùng lắp với việc chữa trị của Bộ Y tế.
Đồng thời, có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng những khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Ý kiến của chuyên gia, đơn vị quản lý, doanh nghiệp cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng hình thành dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phục vụ cho nhiều dòng khách từ bình dân đến cao cấp, đủ năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực.