Mô hình du lịch đặc thù
Sau thời gian dài cả thế giới chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh gia tăng khiến nhiều người dễ mắc phải các vấn đề tổn thương tâm lý, ngày càng có nhu cầu chăm sóc đời sống sức khỏe tinh thần. Chính bởi thế tại Việt Nam, không ít những DN du lịch đã bắt đầu xây dựng dịch vụ du lịch của mình theo hướng chữa lành.
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 23km, Yên Glamping nằm ẩn mình trong một khu rừng bảo tồn thuộc thôn Cầu Đất, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt. Được ban tặng quang cảnh thơ mộng cùng mong muốn tạo nên một không gian gần gũi thiên nhiên nhất, Yên Glamping được xây dựng ưu tiên dựa trên các nguyên liệu của tự nhiên và hạn chế sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại. Với 10 điểm khám phá, 7 khu cắm trại, cùng hơn 30 hoạt động ngoài trời, du khách sẽ được trải nghiệm một cuộc sống giản dị giữa núi rừng, tạm ngắt kết nối với cuộc sống hối hả, hiện đại.
Giám đốc điều hành Yên Glamping Lê Minh Cường chia sẻ: “Mô hình du lịch chữa lành được chúng tôi tiến hành triển khai ngay sau thời gian dịch Covid-19 tại Việt Nam lắng xuống, thời điểm mà mọi người có xu hướng quan tâm đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn”. Theo ông Lê Minh Cường, mục đích duy nhất của Yên Glamping là mở ra không gian giúp các bạn trở về với thiên nhiên, trút bỏ được mọi phiền muộn, nạp năng lượng để hướng về cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Còn Tổ hợp du lịch Vườn Thương Tỉnh Thức Chéri Dalat mới ra đời đầu năm 2023, nhưng nhanh chóng thu hút được du khách bởi giá trị nó mang lại. Chị Huỳnh Thị Vân - người sáng lập khu Tổ hợp du lịch Vườn Thương Tỉnh Thức Chéri Dalat cho biết được tiếp xúc với loại hình du lịch độc đáo này qua chuyến thăm Ấn Độ năm 2019. Khi trở lại Đà Lạt, chị nhận thấy nơi này rất phù hợp để triển khai “Du lịch chữa lành”. Chia sẻ về cơ duyên đó, chị nói: “Mình đã tham gia rất nhiều khóa chữa lành và cảm thấy nó có giá trị vô cùng lớn với cuộc sống của nhiều người. Tại Việt Nam, để thật sự tìm kiếm nơi vừa du lịch, vừa chữa lành không phải là dễ, thậm chí việc tiếp xúc với vấn đề chữa lành tâm lý là rất hiếm”.
Hiện tại, Vườn Tỉnh Thức Chéri bao gồm các dịch vụ tương tự một khu tổ hợp du lịch như: Chéri home, Chéri café, Chéri pub, Chéri bons, Chéri edu. Hướng tới sự tiện nghi và thoải mái của khách hàng, không gian tổ hợp được thiết kế mở với cây xanh cùng nhiều vật nuôi tạo sự thân thiện, khuyến khích du khách kết nối với nhau và tương tác trực tiếp với mô hình.
Dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2023, Tổ hợp du lịch Vườn Thương Tỉnh Thức Chéri Dalat đã nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng. Hầu hết các bạn du khách đều có phản hồi tốt, hưởng ứng dịch vụ tích cực. Sau khi trải nghiệm Vườn Thương Tỉnh Thức Chéri, du khách đã có những biểu hiện tích cực như giải tỏa áp lực, nâng cao tinh thần và tăng cường sức khỏe.
Hướng đi mới của du lịch Đà Lạt
Dù lựa chọn Đà Lạt như một cái duyên nhưng anh Lê Minh Cường - Giám đốc Khu du lịch Yên Glamping vẫn nhận thấy tiềm năng vô cùng lớn của mảnh đất này trong việc phát triển mô hình du lịch chữa lành. Tuy nhiên, câu chuyện đưa mô hình này đến gần hơn với du khách không phải dễ dàng. Anh chia sẻ: “Hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng tập trung phát triển du lịch chữa lành bởi xu hướng thị trường, nhưng lại theo hướng thương mại hóa. Điều này khiến cho bản chất của du lịch chữa lành bị giảm đi rất nhiều”.
Theo anh Cường, muốn phát triển loại hình “Du lịch chữa lành” lâu dài, cần thật sự tập trung vào câu chuyện tâm lý thay vì chỉ cung cấp một nơi lưu trú thoải mái để du khách nghỉ ngơi, thư giãn. Anh hy vọng với mô hình cắm trại của Yên Glamping - tạm ngắt kết nối với cuộc sống bộn bề thường nhật, mọi người sẽ yêu và gắn bó với thiên nhiên nhiều hơn, từ đó tìm thấy sự thoải mái trong tâm hồn và trân trọng sức khỏe tinh thần của chính mình.
Cũng như vậy, ban đầu chị Huỳnh Thị Vân cũng chỉ thành lập Vườn Thương Tỉnh Thức với tâm niệm tạo ra không gian nghỉ ngơi, thư giãn sau những áp lực của cuộc sống thường nhật. Thế nhưng sau một thời gian hoạt động và tiếp xúc với khách hàng, chị nhận ra chữa lành sâu bên trong đời sống tinh thần của con người là nội dung cốt lõi cần đặc biệt chú trọng.
Với xu hướng chăm sóc sức khỏe tinh thần đang ngày được quan tâm, chị Huỳnh Thị Vân đã có những bước phát triển mới và kịp thời để Vườn Thương Tỉnh Thức Chéri Đà Lạt mang đến những dịch vụ chữa lành tốt nhất. Thay vì chỉ tập trung vào các dịch vụ chữa lành như cà phê, tiệc rượu, chia sẻ,... Vườn Thương Tỉnh Thức Chéri Đà Lạt có định hướng đẩy mạnh xây dựng các khóa học liên quan đến chữa lành. Hơn cả một khóa học giúp học viên giải tỏa áp lực, nâng cao tinh thần sau thời gian làm việc căng thẳng hoặc trải qua những khó khăn trong cuộc sống, Vườn Thương Tỉnh Thức Chéri Dalat có mục tiêu giúp khách hàng tìm về bản ngã - cái tôi, nhìn lại mình để có một lối sống tích cực và ý nghĩa hơn.
Anh Nguyễn Đức Tuân, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, đã tham gia trải nghiệm du lịch chữa lành tại Yên Glamping chia sẻ: “Mình đã quay lại Yên Glamping đến lần thứ 3, bởi nơi đây đem đến trải nghiệm đúng nghĩa chữa lành. Từ giá cả, dịch vụ chăm sóc cũng như bố trí các không gian tách biệt dành cho các đoàn khách đều rất chỉn chu, riêng tư. Sau mỗi lần đến Yên Glamping, mình lại cảm thấy tinh thần thoải mái hơn, quên hết mọi lo toan cuộc sống”.
Cũng theo anh Tuân, dù chỉ là du lịch chữa lành, không mạo hiểm nhưng với những doanh nghiệp có bảo hành cho khách như Yên Glamping xứng đáng được mọi người biết đến nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc tận dụng những rừng thông, dòng suối giữa lòng Đà Lạt cũng khiến cho du khách tin tưởng hơn vào hiệu quả chữa lành của mô hình du lịch này, bởi Đà Lạt vốn được lòng rất nhiều bạn trẻ bởi sự nhẹ nhàng, thư giãn.
Có thể nói, mô hình du lịch chữa lành đã mở ra nhiều tiềm năng khi phục hồi Thân - Tâm - Trí, đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của con người hiện đại, đặc biệt tại các quốc gia phát triển như Việt Nam hiện nay. Đây là một mô hình du lịch đầy tiềm năng mà Đà Lạt nói riêng hay Việt Nam nói chung nên hướng tới. Mô hình này kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách không chỉ trong nước mà cả thế giới.