Du lịch cộng đồng ở Quảng Ngãi, tiềm năng chờ được khai phá

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quảng Ngãi sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, làm thế nào để loại hình du lịch này phát triển tương xứng lại là bài toán đang cần lời giải.

Nhiều tài nguyên

Cách TP Quảng Ngãi 35km về hướng Bắc, thắng cảnh Gành Yến nằm bên làng chài thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) là sự kết hợp giữa trời, mây, non nước và những phiến đá đen với hình dáng muôn hình vạn trạng tạo thành một bức tranh thủy mặc tuyệt vời.

Gành Yến đẹp nhất vào mùa nước cạn. Đây là thời điểm thủy triều rút xuống, để lộ ra những rạn san hô đẹp như hàng ngàn bông hoa đua nhau khoe sắc.

San hô ở Gành Yến.
San hô ở Gành Yến.

"Lúc này biển lùi xa, để lộ ra những bông hoa san hô cực đẹp, những con sao biển với đủ màu sắc như lạc vào chốn thần tiên. Khung cảnh này sẽ xuất hiện liên tiếp 2 - 3 lần mỗi tháng khi thủy triều rút, rơi vào các ngày đầu và giữa tháng, từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch" - ông Ngô Văn Thính -  Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết.

Tại huyện Bình Sơn, rừng dừa nước Cà Ninh (thôn Phú Long, xã Bình Phước) cũng là một điểm đến lý tưởng, được nhiều du khách lựa chọn đến tham quan, check-in.

Du khách tham quan rừng dừa nước Cà Ninh.
Du khách tham quan rừng dừa nước Cà Ninh.

Rừng dừa khoảng chừng hơn 100ha, nằm trải dài suốt một nhánh lớn của sông Trà Bồng, là nơi tôm, cá cùng nhiều loài thủy sản khác sinh sôi, trú ngụ. Sông nước và rừng dừa là nguồn sống của người dân hàng trăm năm qua.

Theo ông Phạm Tấn Tước (82 tuổi, xóm Cà Ninh, thôn Phú Long), rừng dừa này đến nay khoảng chừng 300 năm tuổi. Thời ấy, khi cha ông bôn ba vào Nam mưu sinh, đã mang thứ cây có tán lá xanh mướt lại có thể bén rễ trên sông nước này về đây ươm trồng dọc sông Trà Bồng để ngăn nước lũ làm sạt lở bờ sông. Rừng giữ đất, ngăn nước mặn tiến vào ruộng đồng, nên người dân nơi đây rất trân quý. Họ giữ rừng bằng hương ước để truyền lại cho các thế hệ sau.

Nằm bên dòng sông Trà Bồng (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn), gốm Mỹ Thiện có lịch sử hình thành và phát triển khoảng 200 năm, mang những giá trị văn hóa và thẩm mỹ riêng của xứ Quảng.

Lò gốm Mỹ Thiện.
Lò gốm Mỹ Thiện.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, gốm Mỹ Thiện vẫn bảo tồn và giữ gìn phương thức sản xuất truyền thống. Đó là cách tạo hình sản phẩm trên bàn xoay dựa vào sự khéo léo, trình độ thẩm mỹ cùng kinh nghiệm của nghệ nhân. Quá trình này thường do phụ nữ đảm nhiệm. Tiếp đó là khâu đắp nổi hoa văn, họa tiết với các đề tài thường gặp là rồng, phượng, hoa lá...

“Một trong những nét độc đáo của gốm tráng men Mỹ Thiện là kỹ thuật nung qua hai lửa. Bí quyết và tài hoa của nghệ nhân nung gốm là ở khả năng làm chủ nhiệt độ, kết hợp với sự gia giảm trong pha chế men để tạo màu men như ý. Tuy vậy, cá biệt có những khi sản phẩm hỏa biến, màu sắc kỳ ảo, trở thành độc bản” - nghệ nhân Đặng Văn Trịnh chia sẻ.

Gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh và Phạm Thị Thu Cúc hiện là hộ duy nhất còn giữ được lò gốm Mỹ Thiện nguyên bản và cách sản xuất gốm truyền thống. Với sự hỗ trợ từ chính quyền huyện Bình Sơn và các sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi, gốm Mỹ Thiện đang dần khẳng định lại vị thế, được nhiều người đến tham quan, trải nghiệm.

Cần hướng đi đúng

Thực tế thời gian qua, các khu vực Gành Yến, Bàu Cá Cái, dừa nước Cà Ninh, gốm Mỹ Thiện… hình thức du lịch cộng đồng đã manh nha hình thành nhưng hầu hết đều ở dạng tự phát, rời rạc, thiếu kết nối.

Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn).
Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn).

Lâu nay, người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, làm “du lịch cộng đồng” là việc họ chưa bao giờ nghĩ tới. Thậm chí, khi khách du lịch đến tham quan, nhận thức của người dân bản địa dù có thay đổi, hiểu hơn về lợi thế mình đang có nhưng lại lúng túng với việc phát triển loại hình đầy tiềm năng này.

 

“Tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là huyện Bình Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Vấn đề lớn nhất hiện nay chính là thiếu sự hợp tác, còn riêng lẻ, rời rạc. Đã đến lúc cần ngồi lại với nhau, xây dựng quy hoạch tổng thể cho sự phát triển tài nguyên, thiên nhiên, môi trường, con người. Sự hợp tác này sẽ kiến tạo việc làm, người dân là chủ thể của du lịch cộng đồng, tạo ra sinh kế, từ đó, người dân sống nhờ vào du lịch.

Du lịch cộng đồng ở Bình Sơn có thể học hỏi thêm các bài học từ Lý Sơn, Gò Cỏ - Sa Huỳnh, Cù lao Chàm (Hội An), … để đúc rút kinh nghiệm và có những sáng tạo riêng” - TS. Chu Mạnh Trinh, Chuyên gia về bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng, Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm nhận định.

“Du lịch cộng đồng là điều mới mẻ và quan trọng hơn là người dân không dám dấn thân. Để có thể phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả, những người nông dân mong muốn được trang bị thêm kỹ năng cần thiết như: nghệ thuật kinh doanh, giao tiếp ứng xử, giới thiệu, phục vụ…” - chị Nguyễn Thị Nữ (thôn Thế Long, xã Bình Phước) bày tỏ.

Đặc biệt, để du lịch cộng đồng phát triển, việc quảng bá, truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện cũng là yếu tố quan trọng, không thể bỏ qua.

“Vận dụng chiến dịch quảng cáo qua mạng xã hội (Zalo, Facebook...) và các công nghệ số hiện đại là cách lan truyền nhanh chóng, cập nhật thông tin để có thể truyền tải thông tin du lịch đến đông đảo du khách và người dùng được thuận tiện nhất” - anh Nguyễn Hồng Dên (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) - Đại diện một doanh nghiệp nêu quan điểm.

Theo ông Võ Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, địa phương hướng đến phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cho người dân, không chỉ dừng lại là điểm check-in, tham quan.

“Người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, làm ra sản phẩm đặc sản nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương, làm cơ sở để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, tiêu thụ và người dân hưởng lợi” - ông Võ Văn Đồng chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, người dân lâu nay chủ yếu là sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, truyền thống nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào làm du lịch - một ngành nghề mới đối với họ. Do đó, cần có định hướng, tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức cho bà con. Bên cạnh đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền, hỗ trợ tư vấn của nhà khoa học, các tổ chức cá nhân có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần